Lợi ích của phương pháp học trải nghiệm

     Phương pháp học trải nghiệm đã được áp dụng tại các nước phát triển trong nhiều thập kỉ. Những năm gần đây, phương pháp này được một số trường học trải nghiệm tại Việt Nam áp dụng mang tới những thay đổi tích cực cho học sinh nói chúng và học sinh THPT nói riêng
1. Phương pháp học trải nghiệm là gì?

     Học trải nghiệm là phương pháp khuyến khích người học khám phá, thử nghiệm trực tiếp với kiến thức, hình thành các khái niệm và đưa ra các phân tích, kết luận của bản thân về kiến thức ấy. Trong đó, giáo viên chỉ đóng vai trò là người định hướng, định hình nên hành vi tích cực cho người học.

2. Quy trình của phương pháp học trải nghiệm 

     Phương pháp học trải nghiệm là một quy trình gồm 5 bước khép kín như sau:

 

- Trải nghiệm: Người học thực hiện một hoạt động thực tế tuân theo các hướng dẫn cơ bản về an toàn, tổ chức hoặc quy định về thời gian, trước khi được chỉ dẫn cụ thể về cách làm.

- Thông báo: Học sinh chia sẻ lại các kết quả, chú ý và những điều quan sát, cảm nhận được trong phần hoạt động đã thực hiện của mình.

- Thảo luận: Người học cùng thảo luận, nhìn lại cả quá trình trải nghiệm, phân tích và phản ánh lại. Học sinh, sinh viên sẽ liên hệ trải nghiệm với chủ đề của hoạt động và các kỹ năng học được.

- Tổng quan: Liên hệ những kết quả và điều học được từ trải nghiệm với các ví dụ trong cuộc sống thực tế. Bước này thúc đẩy người học suy nghĩ về việc có thể áp dụng những điều học đường vào các tình huống khác như thế nào.

- Triển khai: Người học sử dụng những kỹ năng hiểu biết mới vào cuộc sống thực tế của mình. Các bạn trực tiếp áp dụng những điều học được vào tình huống tương tự hoặc các tình huống khác – thực hành.

3. Khác biệt giữa phương pháp truyền thống với phương pháp học trải nghiệm 

     Phương pháp học trải nghiệm tập trung vào quá trình học cùng của cá nhân. Người học được khuyến khích tham gia trực tiếp vào các trải nghiệm, sau đó phản ánh kinh nghiệm của họ bằng các kỹ năng phân tích. Phương pháp này giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về các kiến thức mới và lưu giữ thông tin lâu dài hơn. 

     Phương pháp giáo dục truyền thống tập trung vào trình tự dạy khoa học và các kiến thức đã được kiểm nghiệm. Người học sẽ lắng nghe những kiến thức được truyền thị từ thầy cô dưới các hình thức như đọc chép, nghe nhìn, trình chiếu, minh họa… Điểm khác biệt nhất giữa phương pháp truyền thống và phương pháp học trải nghiệm là sự chuyển dịch vai trò của người dạy và người học.

4. Lợi ích của phương pháp học trải nghiệm

     Thông qua các hoạt động thực tế và hữu ích, phương pháp học trải nghiệm mang lại cho học sinh nền tảng kiến thức vững chắc cùng hệ thống KN cần thiết cho tương lai. 

4.1 Tăng tính chủ động, sáng tạo cho người học

     Đa dạng cách thức dạy và học giúp học sinh được tiếp thu kiến thức thông qua nhiều vai trò, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Chẳng hạn trong sự kiện của CLB hay các sự kiện lớn của trường, học sinh có thể tham gia với vai trò Trưởng ban tổ chức hay thành viên từng tiểu ban.

Đây là là cơ hội tốt để các bạn tích lũy các kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống,… cũng như hình dung được cách thức để tổ chức một sự kiện. Đứng trước mỗi thử thách mới như trên, người học sẽ dần hình thành khả năng thích ứng, tư duy sáng tạo linh hoạt, phân tích và tìm ra các phương pháp mới để giải quyết vấn đề. Tính chủ động, sáng tạo được phát huy triệt để khi bạn tự mình triển khai công việc và đối diện với những khó khăn mà nó mang lại. 

4.2 Tăng khả năng ghi nhớ kiến thức

Con người thường sử dụng nhiều hơn một giác quan để tiếp nhận và ghi nhớ thông tin. Đối với phương pháp học trải nghiệm, người học phải sử dụng cả thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác,… Khi quan sát bằng thị giác, cảm nhận bằng xúc giác,…  cơ chế của não bộ sẽ tiến hành ghi chép, tổng hợp thông tin từ các hoạt động đó một cách chủ động hơn. Có thể nói, việc sử dụng đa giác quan trong suốt quá trình học làm tăng khả năng lưu giữ những điều đã học được lâu hơn.

Ví dụ khi muốn học sinh THCS hiểu được tập tính của loài giun đất, giáo viên Sinh học sẽ đưa các bạn ra ngoài trời để quan sát môi trường sống của chúng. Học sinh sẽ chạm vào các mẫu đất để cảm nhận về độ ẩm hoặc độ tơi xốp, phân tích cấu tạo cơ thể giun thông qua tranh ảnh hoặc thực hành mổ giun đất. Các bạn phải huy động mọi giác quan để tiếp nhận và lưu giữ thông tin, kiến thức về loài sinh vật đó trong não bộ. 

4.3 Khắc phục sự nhàm chán trong việc dạy và học

Phương pháp này tạo cơ hội cho người học được trực tiếp thực hành, nêu lên quan điểm, bày tỏ ý kiến,… về một chủ đề liên quan đến khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Từ đó, học sinh sẽ cảm thấy hứng thú hơn, chuyên tâm hơn nên ít mắc phải các vấn đề về tuân thủ kỷ luật trong tiết học. 

Trong khi đó, giáo viên từ vị trí người truyền đạt kiến thức chuyển sang lên kế hoạch, định hướng, hướng dẫn trong suốt buổi học. Điều này giúp thầy cô giáo linh hoạt phương pháp giảng dạy, đồng thời, hạn chế cảm giác chán nản do giảng bài liên tục mà không nhận được sự tương tác từ phía học trò.

4.4 Tăng khả năng ứng dụng các kỹ năng vào thực tế

Học sinh có thể học kỹ năng sống như giao tiếp trước đám đông, ứng biến với các tình huống phát sinh, kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên,… nhờ phương pháp học trải nghiệm. Các kỹ năng này được tái sử dụng qua các bài tập, hoạt động nhằm giúp người học tăng cường khả năng ứng dụng vào thực tế.

5. Các hình thức phương pháp dạy học trải nghiệm hiện nay 

Các phương pháp dạy học trải nghiệm ngày càng được ứng dụng phổ biến tại nhiều trường học ở Việt Nam nhờ việc nâng cao tính chủ động cho người học. Trong đó có thể kể tới các hình thức dưới đây. 

5.1 Thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm là một trong những phương pháp được yêu thích và sử dụng thường xuyên trong

hoạt động dạy và học các bộ môn Khoa học - Công nghệ, Ngoại ngữ hiện nay. Từ đó, người học cảm thấy việc học tập dễ dàng hơn và suy ngẫm về bài học theo một cách mới.

Vai trò của người dạy: Mỗi giáo viên phải nắm vững phương pháp, có kỹ năng trong tổ chức chuỗi hoạt động gồm lựa chọn vấn đề thảo luận; chia nhóm, bố trí chỗ ngồi; giao nhiệm vụ, giới hạn thời gian thảo luận; theo sát hoạt động của từng nhóm; tổng kết kiến thức sau buổi thảo luận.

Vai trò của người học: Mỗi học sinh cần chủ động nghiên cứu kiến thức trước khi lên lớp để mở rộng nội dung thảo luận, phối hợp với cả nhóm bằng cách chia sẻ những kiến thức mình hiểu, học hỏi từ bạn những kiến thức mình thiếu. Kết thúc buổi thảo luận, người học sẽ chủ động báo cáo kết quả và phản biện ý kiến của các thành viên trong lớp để khai thác vấn đề sâu hơn.

Phương pháp thảo luận nhóm đem đến nhiều lợi ích thiết thực như:

- Giúp khám phá nhiều kiến thức mới: Mỗi người học sẽ bày tỏ một quan điểm, góc nhìn khác nhau về vấn đề được đưa ra. Quá trình trình bày – diễn giải ý kiến đó sẽ tạo ra một nguồn kiến thức phong phú cho học sinh, sinh viên chỉ trong một thời gian ngắn.

- Giúp hiểu rõ bản chất và ghi nhớ thông tin tốt hơn: Thảo luận nhóm yêu cầu người học phải chủ động tìm hiểu thông tin, thuyết trình và bảo vệ quan điểm trước đám đông. Học sinh, sinh viên buộc phải hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức để “giành chiến thắng” trong buổi học.

- Phát triển các kỹ năng sống cần thiết: Việc phát biểu trên lớp và tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận mở với bạn bè là cơ hội để người học luyện tập các kỹ năng sống. Đó là kỹ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông, lắng nghe ý kiến đa chiều, phân tích vấn đề, phản biện quan điểm,... Những kỹ năng này là hành trang quan trọng cho cuộc sống và công việc tương lai của học sinh, viên. 

- Để khơi gợi cảm hứng học tập, mở mang vốn sống về thế giới xung quanh cho học sinh, nhiều trường học triển khai phương pháp học trải nghiệm qua hoạt động thảo luận theo chủ đề.

Ví dụ, đối với các môn khoa học xã hội như Địa Lý: Từ chủ đề “Một số vấn đề của Tây Nam Á và Trung Á”, cô giáo chia nhỏ thành các nội dung thảo luận cho từng tiết học như đặc điểm tự nhiên, phong tục tập quán, tình hình chiến tranh ảnh hưởng tới đời sống,… Sau đó, từng nhóm học sinh lên trình bày thông tin mà các em thu thập được. Từ ý kiến của học trò, giáo viên sẽ tiến hành chuẩn hóa kiến thức mà các em cần phải ghi nhớ trong bài học.

5.2 Nghiên cứu tình huống

     Nghiên cứu tình huống hay nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) là một trong những phương pháp học trải nghiệm dạy học chủ động, được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, phương pháp này được áp dụng ở hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng giảng dạy về kinh doanh, quản lý nhân sự, y khoa, luật, báo chí, truyền thông,… 

Ở hình thức này, giáo viên đóng vai trò định hướng, học trò có nhiệm vụ tự tìm hiểu, cụ thể như sau:

- Vai trò của người dạy: Tùy vào từng mục tiêu bài học, người dạy cần phải biên soạn tình huống đảm bảo các yêu cầu như mang tính thời sự, phù hợp với trình độ của học sinh, sát với thực tế, có tính thách thức để buộc người học phải tư duy, đưa ra nhiều giải pháp mang tính thực tiễn.

- Vai trò của người học: Chủ động tìm hiểu thông tin, nghiêm túc tư duy để đưa ra phương pháp giải quyết phù hợp nhất. Sinh viên phải tự trang bị cho mình khả năng tự học, tự tìm hiểu cơ sở lý thuyết, sắp xếp thông tin một cách có hệ thống để hoàn thành vai trò này. 

- Đặc biệt, sinh viên phải có thói quen đặt câu hỏi với giáo viên, chủ động phản biện, đưa ra ý tưởng giải quyết tình huống để tiếp nhận kiến thức sâu sắc, đa chiều.

     Phương pháp nghiên cứu tình huống tạo điều kiện rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên:

- Không bị lúng túng khi đối diện với thực tế: Càng thực hành, đối diện sớm với vấn đề thì người học càng bình tĩnh làm chủ tình huống do có sự luyện tập từ trước. 

- Kích thích tư duy sáng tạo: Khi được đặt vào một tình huống khó, người học sẽ phải tìm kiếm thông tin, đổi mới tư duy để khắc phục vấn đề.

- Phương pháp phân tích các trường hợp điển hình giúp sinh viên cảm thấy kiến thức có ích hơn, say mê học tập hơn. Thông qua nghiên cứu các ví dụ điển hình, học sinh sẽ rút ra được kinh nghiệm xử lý nếu rơi vào trường hợp tương tự hoặc sáng tạo ra các phương pháp mới để giải quyết vấn đề. 

5.3 Phương pháp học trải nghiệm thông qua đóng vai, trò chơi

- Bản chất của phương pháp học trải nghiệm thông qua đóng vai, trò chơi là dạy học thông qua việc tổ chức hoạt động. Đây là môi trường để người học chủ động tham gia vào quá trình học, kích thích tư duy sáng tạo và rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý đội nhóm, làm việc nhóm, kết nối với mọi người,...

- Các môn học thuộc nhóm Xã hội (Ngữ văn, Giáo dục công dân (GD kinh tế và pháp luật,, Lịch sử, Địa lí) rất phù hợp để áp dụng phương pháp đóng vai, trò chơi. Ở đó, giáo viên đóng vai trò định hướng, điều phối, học sinh chủ động thực hiện:

- Vai trò của người dạy: Giáo viên cần chia lớp học thành các nhóm nhỏ, đặt ra đề bài để người học tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng mới. Thầy cô chủ động xác định mục đích của hoạt động, xác định kiến thức và kỹ năng mà người học cần tiếp nhận, đồng hành với học trò trong quá trình hoạt động, nhận xét và đánh giá.

- Vai trò của người học: Đây là phương pháp yêu cầu người học có sự hợp tác với các thành viên trong nhóm, chủ động đưa ra các ý tưởng mới và lắng nghe tư vấn của giáo viên hướng dẫn. Ngoài ra, các bạn còn cần tự lên kế hoạch tổ chức, phối hợp để chuẩn bị và hiện thực hóa kế hoạch đó thành các vở kịch, trò chơi cụ thể. 

- Phương pháp đóng vai, trò chơi mang lại cơ hội cải thiện, nâng cao kỹ năng, kích thích trí tưởng tượng và mài dũa năng khiếu cho học sinh:

- Tăng trí tưởng tượng: Việc đóng vai vào một nhân vật hay tình huống giúp người học tăng trí tưởng tượng, rèn luyện kỹ năng tìm tòi và đào sâu về một nhân vật, một cảnh ngộ liên quan tới nhân vật đó. 

- Phát triển kỹ năng xã hội: Đây là kết quả quan trọng nhất của hình thức đóng vai, trò chơi. Thông qua việc lắng nghe hướng dẫn của giáo viên và phối hợp với bạn bè để tổ chức hoạt động, người học sẽ hình thành các kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ ý kiến, tư duy phản biện và đàm phán, giải quyết các mâu thuẫn.

- Phát triển năng khiếu cá nhân: Tham gia các trò chơi là cách để người học hiểu rõ hơn về bản thân, xác định năng khiếu (diễn xuất, âm nhạc, thể thao…) và là cơ sở để xây dựng con đường phát triển trong tương lai.

5.4 Học tập từ thực tế

- Học tập từ thực tế là phương pháp được nhiều trường học trải nghiệm ứng dụng. Hoạt động này được triển khai mạnh ở bên ngoài khuôn khổ lớp học như tham gia talkshow, workshop, đi dã ngoại, trại hè,…

- Cũng như nhiều phương pháp học trải nghiệm khác, giáo viên vẫn sẽ giữ vai trò hướng dẫn, học sinh vẫn sẽ là trung tâm của hoạt động ở hình thức học tập thực tế:

- Vai trò của người dạy: Thầy cô giáo đóng vai trò là người xây dựng kế hoạch, sáng tạo nội dung cho các chương trình trải nghiệm dựa nhu cầu thực tế, tâm lý người học. Trong quá trình học tập từ thực tế, giáo viên phải luôn đồng hành, sẻ chia để các hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả.

- Vai trò của người học: Trong tất cả các hoạt động học tập trải nghiệm, người học chuẩn bị tâm thế chủ động để tiếp thu kiến thức, kỹ năng một cách tốt nhất. Riêng với học tập từ thực tế, người học cần xác định rõ mục tiêu học tập, tìm kiếm thông tin, chủ động liên hệ với giáo viên và các bạn trong nhóm (nếu có) để không bị mất định hướng.

Ví dụ, khi tham gia workshop và talkshow, học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu trước về chủ đề, liệt kê các câu hỏi mà mình còn đang băn khoăn để có thể trao đổi thẳng thắn trong buổi trò chuyện. Còn với hoạt động dã ngoại, trại hè,... người học cần chú ý về hành trình và các hoạt động diễn ra trong chuyến đi, từ đó chuẩn bị hành lý cho phù hợp.

Lợi ích của phương pháp học tập từ thực tế thiên về kỹ năng thực hành, giảm bớt gánh nặng lý thuyết: 

- Kiểm chứng kiến thức hàn lâm với thực tế: Người học thâm nhập vào cuộc sống, đem kiến thức đã được học tại trường ứng dụng vào hoàn cảnh thực tế để rút ra bài học hoặc tìm ra phương pháp giải quyết hiệu quả hơn. Chẳng hạn, học sinh có thể sử dụng lý thuyết các phương pháp chống xói mòn đất áp dụng tại địa phương, sử dụng giấy quỳ đo độ pH của đất để tìm ra cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng hoặc lên kế hoạch cải tạo đất để phục vụ các giống cây có năng suất cao hơn,... trong giờ Địa lý. 

- Mở rộng vốn kiến thức thực tế: Sách vở không thể cung cấp đủ kiến thức cho người học. Những chuyến đi giúp người học có cơ hội quan sát sự vật, hiện tượng và lắng nghe phản hồi từ mọi người xung quanh, từ đó rút ra bài học mới cho riêng mình.

- Rèn luyện kỹ năng sống: Bước ra ngoài cánh cổng trường, người học phải chủ động giao tiếp với mọi người, hình thành thói quen quan sát và phân tích, lắng nghe và tư duy,... Nhờ vậy, các kỹ năng sống quan trọng như phân tích vấn đề, xử lý tình huống, tư duy sáng tạo,... sẽ được nâng cao từng ngày.

Phương pháp học trải nghiệm đã chứng minh tính ưu việt, hiệu quả cao đối với học sinh nói chung và học sinh cấp THPT nói riêng tại Việt Nam thông qua các hình thức tổ chức sáng tạo, thú vị. Với những lợi ích thiết thực đó, phương pháp học trải nghiệm đã được UNESCO công nhận đây là phương pháp học tập hiệu quả nhất của thế kỷ 21.

Nguồn: Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học