Thực trạng triển khai mô hình công tác xã hội - Tư vấn tâm lý học đường tại các trường phổ thông hiện nay

Ảnh mình họa

              Trong bối cảnh xã hội với nhiều biến động như hiện nay, học sinh đang ngày càng phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần do sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm khả năng tương tác xã hội, áp lực học tập, khó khăn trong việc ứng phó với những vấn đề của cá nhân và chịu nhiều tác động tiêu cực từ môi trường xung quanh.
     Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tinh thần đặc biệt là tâm lý trẻ vị thành niên chưa được chú trọng nhiều. Tỉ lệ các vấn đề sức khỏe tinh thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu  

niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của Unicef. Nhiều trường hợp học sinh có hành vi tự hại, đau lòng hơn đó là những trường hợp các em tự tử bởi những áp lực từ học tập, mối quan hệ bạn bè… Các rối loạn tinh thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở trẻ vị thành niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt của trẻ.

Theo nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh và Hoàng Cẩm Tú năm 2007 về“Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh trung học cơ sở ở Hà Nội và nhu cầu tham vấn sức khỏe tinh thần học đường” đã thực hiện khảo sát vấn đề sức khỏe tinh thần học đường trên 1.727 học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội cho thấy rằng có khoảng 25,7% học sinh gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Đặc biệt là tỉ lệ học sinh nữ gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm thần cao hơn so với học sinh nam. Cũng dựa vào khảo sát này cho thấy, có đến 20,6% các học sinh chỉ mới bước vào học kỳ 1 đã phải thường xuyên lo lắng quá mức đối về kết quả học tập của bản thân, từ đó dẫn đến lo âu, trầm cảm. Theo một nghiên cứu khác được thực hiện trên khoảng 1.314 các em học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 16 tại khoảng 10 tỉnh thành của nước ta cho thấy, khoảng 9,6% các trẻ gặp phải những bệnh hướng nội ở giai đoạn nhẹ. Thống kê chi tiết nhận thấy các trường hợp học sinh bị trầm cảm là do nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể có khoảng 16,29% các học sinh thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản về chuyện tình cảm; khoảng 4,1% các học sinh cảm thấy không hài lòng, tự ti về ngoại hình và cơ thể của bản thân; khoảng 2,1% các học sinh có xu hướng sống khép kín, thu mình lại và có khoảng 1,8% các học sinh nghiện chơi game, các trò chơi điện tử.

Đặc biệt, khảo sát học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 15 đến 18 sinh sống và học tập tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hơn 50% số học sinh thấy mình không được thấu hiểu và đồng cảm; hơn 70% học sinh rơi vào trạng thái phải đối mặt với một số khó khăn về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó; khoảng 85% số học sinh lựa chọn tâm sự, chia sẻ với bạn bè nhiều hơn là với gia đình, phụ huynh; khoảng 75% học sinh trung học phổ thông mất định hướng và cảm thấy hoang mang khi đứng trước sự lựa chọn chuyên ngành đại học; khoảng 30% các sinh viên năm nhất cảm thấy bế tắc, chán nản vì sai lầm trong lựa chọn ngành học, tỉ lệ này tăng lên hơn 50% khi 
  

Ảnh minh họa

sinh viên bước vào năm 2 và năm 3. Đến hơn 90% các trường hợp trẻ vị thành niên có những hành vi phạm pháp vì mất phương hướng và thiếu sự quan tâm của gia đình. Bên cạnh đó, có rất nhiều vấn đề khó khăn khác đang nảy sinh trong trường học ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của học sinh như bạo lực học đường, học sinh thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức và kỹ năng về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, lạm dụng Internet, mạng xã hội và mất an toàn trên không gian mạng.

Không phải tự nhiên mà công tác tư vấn học sinh, đặc biệt là tư vấn về các vấn đề tâm lý học đường lại trở thành một trong các lĩnh vực quan trọng và được Bộ Giáo dục đặc biệt quan tâm. Thực tế nhận thấy rằng, nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh thường lơ là và quên mất rằng học sinh phổ thông đang ở lứa tuổi vô cùng nhạy cảm. Đặc biệt là những em từ 12 đến 18 tuổi phải đối mặt với khá nhiều khó khăn trong học tập lẫn cuộc sống, bên cạnh đó các em còn phải chịu sự thay đổi lớn về suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể.

Quá trình tư vấn tâm lý học đường cho học sinh không chỉ giúp các em giải quyết được những vấn đề đang gặp phải mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ giữa học sinh với cha mẹ, học trò với thầy cô, giữa bạn bè với nhau,… Phương pháp này sẽ giúp cho các em học sinh tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Các em sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm bớt các căng thẳng, mệt mỏi, áp lực để giúp cho việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống cũng được cân bằng và vui vẻ.

Ảnh minh họa

         Mặt khác, việc áp dụng mô hình tư vấn học đường từ sớm sẽ giúp xử lý được các nguy cơ tiềm ẩn có thể khởi phát ở học sinh như chán học, bỏ học, đánh nhau, các hành vi vi phạm pháp luật, tự hủy hoại bản thân, sa ngã vào các tệ nạn xã hội,…Do đó, có thể khẳng định rằng công tác tư vấn tâm lý học đường đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giáo dục học sinh.
     Đứng trước thực tế trên, Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng đã sớm nhận biết được vấn đề và ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị và các nhà trường thúc đẩy triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, phòng ngừa, can thiệp các vấn đề này sinh trong trường học. Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT 

hướng dẫn triển khai hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học đường tại các trường học. Thông tư 33/ 2018/TT-BGDĐT triển khai hoạt động Công tác xã hội trong trường học.  Đặc biệt, sự ra đời của Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT với việc bổ sung vị trí việc làm “Tư vấn học sinh” tại mục 4, điều 12 cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ này trong bối cảnh trường học hiện nay. Tiếp đó, kế hoạch số 15/2024/KH-BGDĐT về soạn thảo Thông tư quy định về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học (thay thế Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học) đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Như vậy, việc xây dựng và triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học là một yêu cầu cấp thiết và phù hợp trong bối cảnh trưởng học hiện nay.

       Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có rất ít các trường học triển khai các mô hình hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp các vấn đề sức khoẻ tinh thần học đường cho học sinh. Tuy nhiên, mô hình này đã được các trường phổ thông thực hành trực thuộc Trường Đại học Hải Dương triển khai hiệu quả với sự đóng góp trực tiếp của đội ngũ giảng viên chuyên ngành giáo dục học, tâm lý học của Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học đảm nhận đã và đang là địa chỉ tin cậy cho các em học sinh và phụ huynh của Nhà trường.

Nguồn: Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học