Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ôn thi tốt nghiệp khối 12, năm học 2023-2024

 

 

     Hàng năm, sau khi có thông báo chính thức 6 môn thi tốt nghiệp THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đoàn khảo sát công tác tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT ở một số trường trong tỉnh nhằm tìm hiểu thêm những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất của các trường. Trên cơ sở đó, các trường chỉ đạo 6 bộ môn đảm nhận công tác ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đề ra giải pháp cụ thể để việc tổ chức ôn tập đạt hiệu quả. 

1. Lập kế hoạch ôn thi đối với giáo viên giảng dạy

     Việc lập kế hoạch ôn thi tốt nghiệp của giáo viên được Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo tiến hành từ học kỳ I và chi tiết cụ thể vào tháng 3 với cả 8 môn văn hóa cơ bản, nên ngay sau khi có thông báo 6 môn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, nhà trường có thể cho 6 môn đó thực hiện kế hoạch ngay tránh tình trạng khi biết môn thi rồi mới lập kế hoạch thì sẽ không kịp thời trong công tác ôn thi. Việc lập kế hoạch ôn thi của từng môn được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo bám sát từng đối tượng học sinh đã được phân chia theo lớp, theo nhóm. Giáo viên căn cứ vào đối tượng học sinh để đăng ký số tiết ôn tập của từng môn. Cơ số tiết ôn tập được đăng ký sao cho phù hợp với năng lực nhận thức của từng loại đối tượng. Cụ thể:

     Với đối tượng học sinh học lệch: Đây là nhóm học sinh mà có những môn học sinh có thể đạt điểm số cao nhưng có môn lực học lại rất yếu khó đạt được tới điểm 5. Với nhóm học sinh này, nhà trường chỉ đạo giáo viên giảm cơ số tiết đối với những môn mà các em học yếu, chỉ dạy cơ số tiết đảm bảo với những đơn vị kiến thức cơ bản để các em có thể đạt khoảng 3 – 3,5 điểm. Đồng thời, tăng cơ số tiết ôn tập đối với những môn mà các em có thể đạt điểm số cao từ 7- 8 điểm trở lên. Giải pháp này sẽ tạo cho học sinh một tâm thế học tập thoải mái, tránh gò ép mà kết quả vẫn đạt được như mong muốn. Cơ số tiết ôn tập dành cho những học sinh học khá các môn tự nhiên để đạt được điểm cao sẽ nhiều hơn, các môn xã hội sẽ được bố trí ít tiết hơn. Ngược lại, cơ số tiết ôn tập dành cho những học sinh học khá các môn xã hội để đạt được điểm cao sẽ nhiều hơn, các môn tự nhiên sẽ được bố trí ít tiết hơn

     Với đối tượng học sinh yếu: Đây là nhóm học sinh mà nhà trường phải đầu tư nhiều công sức và thời gian nhất bởi đa số học sinh của nhóm này nằm ở giới hạn có thể trượt tốt nghiệp. Với nhóm học sinh này, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên lên kế hoạch ôn tập sát với lực học thực tế của học sinh. Cơ số tiết ôn tập của từng môn đối với nhóm học sinh này chỉ dùng để dạy những kiến thức cơ bản để giúp các em đạt được từ 4,5 - 5 điểm trên một môn. Những đơn vị kiến thức đó sẽ được giáo viên dạy đi dạy lại nhiều lần để giúp học sinh nắm được kiến thức và kỹ năng cơ bản để khi vào phòng thi có thể đạt được điểm số như mong muốn.

     Đối với nhóm học sinh có lực học trung bình, khá: Lên kế hoạch chủ yếu là ôn tập lại và nâng cao kiến thức để các em có thể đỗ tốt nghiệp loại khá.

2. Lập kế hoạch ôn tập với học sinh

     Việc lập kế hoạch ôn thi không chỉ thực hiện đối với giáo viên mà với học sinh cũng cần có kế hoạch ôn thi của mình. Cụ thể, nhà trường yêu cầu từng học sinh căn cứ vào lực học của mình để đăng ký dự kiến điểm thi tốt nghiệp của từng môn. Với bản đăng ký điểm này học sinh sẽ có kế hoạch ôn tập cụ thể, phân phối thời gian hợp lý cho từng môn học để đạt được kết quả tốt nhất.

3. Thực hiện kiểm tra chất lượng ôn thi theo từng giai đoạn

     Những năm trước, quá trình ôn thi được nhà trường chia làm 3 giai đoạn: Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng năm, và 3 tuần cuối của tháng 5. Sau mỗi giai đoạn BGH nhà trường chỉ đạo tiến hành khảo sát chất lượng ôn thi. Việc kiểm tra khảo sát được thực hiện nghiêm túc để đánh giá thực chất được lực học của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy, học và đưa ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả trong quá trình ôn thi.

4. Tạo tâm thế tốt cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi

     Ngoài việc trau dồi cho học sinh lượng kiến thức cơ bản để tham gia thi tốt nghiệp thì nhà trường cùng với các tổ chức đoàn thể và hội phụ huynh còn tạo cho các em một tâm thế tốt trước khi bước vào phòng thi bằng việc động viên khích lệ các em. Phân tích cho các em thấy đây là một kỳ thi quan trọng nhưng sẽ không quá nhiều áp lực nếu chúng ta chuẩn bị tốt. Đồng thời nhà trường tổ chức cho các em học tập quy chế thi thật nghiêm túc để tránh tình trạng các em bỡ ngỡ, mắc lỗi khi bước vào phòng thi. 

vậy trong quá trình tham gia thi tốt nghiệp học sinh đã có tâm lý thoải mái và không có học sinh nào vi phạm quy chế thi đó cũng là một yếu tố tạo nên sự thành công của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng tốt nghiệp hàng năm.

     Học sinh là chủ để của quá trình học, giáo viên giữ vai trò định hướng việc học nên sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa thầy và trò là yêu cầu thiết yếu trong quá trình dạy học nói chung và ôn thi tốt nghiệp nói riêng. Khi mối quan hệ này được xây dựng và phát triển kết quả sẽ là kì thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt.

Nguồn: Khoa Chính trị - Tâm lý – Giáo dục học