Ảnh mình họa |
Ở Việt Nam, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi nằm trong 20,4 triệu thanh thiếu niên từ 10 đến 24 tuổi chiếm 21% dân số (theo tổng điều tra dân số năm 2019). Thực tiễn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê tính tới tháng 6/2021 của NapoleonCat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng Xã Hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và Facebook vẫn đang đứng đầu danh sách các Mạng Xã Hội phổ biến tại Việt Nam. |
Số người dùng Facebook tại Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 13-17 tuổi chiếm tỉ lệ 9,3% trên tổng số người sử dụng, tương ứng với độ tuổi THCS và THPT; như vậy số lượng học sinh sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều. Vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh đã được Bộ GD&ĐT, các tổ chức, nhà nghiên cứu quan tâm trong những năm gần đây với hàng loạt các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu ở mức độ và phạm vi khác nhau. Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của UNICEF nhận định, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam là từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên (2018).
Nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh và Nguyễn Thị Phương (2013) chỉ ra mối tương quan thuận giữa mức độ sử dụng Internet và các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung ở học sinh Trung học cở sở, dự báo rằng nếu học sinh Trung học cơ sở sử dụng Internet ở mức độ càng cao thì mức độ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần càng cao và ngược lại. Mức độ sử dụng Internet cao tương quan thuận với tất cả các hội chứng có vấn đề về sức khỏe tâm thần theo tiêu chuẩn YSR. Trong đó, tương quan mức độ mạnh với hành vi hung tính, lo âu/trầm cảm và vấn đề tư duy.
Cùng với việc phổ biến của mạng xã hội thì một loạt những tác động của mạng xã hội lên đời sống của của cá nhân cũng đã diễn ra và yêu cầu cần có những nghiên cứu, tìm hiểu. Tổng quan các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy nghiên cứu về mạng xã hội chưa nhiều, đặc biệt là các nghiên cứu về tác động mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của lứa tuổi học sinh THCS, THPT có rất ít.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội và game đối với vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, thanh thiếu niên còn rất ít ỏi; những nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội, game tới hành vi lệch chuẩn của người chưa thành niên lại càng hiếm đặc biệt là đối với người chưa thành niên trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số, gần nửa thế giới đang được kết nối với Internet. Đối với thanh thiếu niên, trực tuyến và mạng xã hội trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày (Echazarra, 2018). Với việc sử dụng mạng xã hội, theo số liệu của Statista năm 2021 cho thấy, người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới lên tới con số 3.6 tỷ người, chiếm xấp xỉ 46% dân số thế giới. Con số này vẫn đang tiếp tục được dự báo sẽ gia tăng khi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và Internet ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Trung bình mỗi người dành hơn 2 tiếng một ngày trên mạng xã hội và có khoảng 9 tài khoản mạng xã hội khác nhau. |
Ảnh minh họa |
Sự ra đời và phát triển chóng mặt của mạng xã hội đã thu hút số lượng người dùng khổng lồ là những người trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Mạng xã hội ra đời mang đến nhiều lợi ích to lớn cho các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và giải trí. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội ngày càng dấy lên những lo ngại từ cha mẹ, giáo viên và những nhà quản lý chính sách về ảnh hưởng của nó đối với tình trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, bắt nạt qua mạng và bóp méo hình ảnh bản thân… Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Hàn Quốc,…đã có các nghiên cứu lớn để trả lời câu hỏi liệu Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng có gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh niên hay không. Nhưng cho đến nay, các bằng chứng nghiên cứu vẫn chưa thực sự đưa ra được câu trả lời thống nhất (Vuorre, M., Orben, A., & Przybylski, A., 2021). Tuy nhiên, các nhà khoa học đều nhận định rằng có các mối liên hệ thực sự giữa việc sử dụng Internet, mạng xã hội và sức khỏe tinh thần. Trong bối cảnh đó, mạng xã hội và game là hai trong số các nhân tố mà chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức từ những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến hành vi lệch chuẩn của người chưa thành niên.
Ảnh minh họa |
Theo David P.Farrington (1996), tính hiếu động và tính hay bốc đồng là những nét tính cách quan trọng nhất của trẻ giúp cho việc phán đoán khả năng phạm tội sau này. Ông đã tiến hành điều tra tại Thụy Điển cho thấy, các em học sinh bị giáo viên nhận xét là hiếu động ở độ tuổi 13 thì thường phạm các tội có sử dụng bạo lực cho đến độ tuổi 26. Ngoài ra ông còn tiến hành nghiên cứu trí tuệ của trẻ chưa thành niên phạm tội. Cuộc điều tra ở Thụy Điển cho thấy, trẻ được kiểm tra nếu thiểu năng trí tuệ lúc 3 tuổi thì sẽ có nguy cơ phạm tội cao cho tới độ tuổi 30. Nghiên cứu ở Cambridge cho thấy trẻ có điểm IQ nhỏ hơn 90 trong độ tuổi từ 8-10 tuổi có tỷ lệ phạm tội cao gấp đôi các em khác. |
Như vậy, theo kết quả nghiên cứu của ông tại Thụy Điển việc trẻ hiếu động ở tuổi 13 và khả năng nhận thức kém của trẻ cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc trẻ có hành vi lệch chuẩn ở mức độ cao là làm trái pháp luật trong tương lai. Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, tình trạng các em trong lứa tuổi vị thành niên có hành vi lệch chuẩn như: quay cóp, vô lễ với giáo viên, đua xe, vi phạm pháp luật, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục sớm, bạo lực... đang ngày càng gia tăng và ở mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học đường và nhân cách trong tương lai. Đặc biệt là tình hình người phạm tội chưa thành niên trong những năm qua rất phức tạp, tăng cả số lượng, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên có hành vi phạm tội nói riêng. Qua các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn người chưa thành niên đến việc thực hiện những hành vi phạm tội. Đó là nguyên nhân từ phía gia đình và nhóm bạn bè vẫn được xem là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn đối với hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Tiêu biểu cho quan điểm này phải kể đến các tác giả như V.M Koromosikov, Margot Prior (2000), Rutter Giller (1983) và Sarnecki (1985).
Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Điều này cho thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh đã được quan tâm và việc cần thiết phải có hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường học. Hành vi lệch chuẩn cũng là một hiện tượng tâm lý của con người, một biểu hiện của sức khoẻ tâm thần và đằng sau đó là những nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu và giúp đỡ của người chưa thành niên. Qua những nghiên cứu của các tác giả về trẻ vị thành niên có hành vi lệch chuẩn cho thấy được vị thế và vai trò của gia đình và xã hội trong việc giáo dục nhận thức và hành vi của thế hệ trẻ. Đề tài hướng đến việc tìm ra những giải pháp giúp cha mẹ và giáo viên tiếp cận gần hơn với các em để hiểu và giảm thiểu những hành vi lệch chuẩn đó./.
Nguồn: Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học