Ngày 01/09/2021, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch 3234/KH-UBND năm 2021 về trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu: Trợ giúp người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật phát huy hết khả năng của bản thân, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của xã hội, của các cấp, các ngành trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật góp phần xây dựng một cộng đồng, xã hội không rào cản và ngày càng chăm lo tốt hơn đến quyền lợi của người khuyết tật.
Từ mục tiêu đó nhìn lại trong những năm qua, công tác giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng. Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật được triển khai kịp thời, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Các cấp, các ngành, cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật; tạo thêm động lực, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập, đóng góp cho xã hội. Hoạt động xã hội hoá trợ giúp người khuyết tật đã được các cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức người khuyết tật đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người khuyết tật còn khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng; vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…; mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp; số người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn. Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức người khuyết tật chưa cao. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, thuộc trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội; vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Một số nơi công tác tổ chức thực Luật Người khuyết tật và các chính sách về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ trương của Đảng liên quan đến người khuyết tật chưa được thể chế hoá kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật chưa hiệu quả.
Để phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật của tỉnh nhà, trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật
Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản chỉ thị của cấp trên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Luật người khuyết tật; các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác người khuyết tật, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và phối hợp thực hiện công tác trợ giúp người khuyết tật ở các địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
2. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác người khuyết tật bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn của tỉnh trong từng giai đoạn phát triển. Lồng ghép nội dung chính sách về người khuyết tật vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng công trình hạ tầng công cộng bảo đảm các tiêu chuẩn tiếp cận đối với người khuyết tật. Quan tâm đầu tư, ứng dụng, sử dụng công nghệ trợ giúp người khuyết tật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật các cấp, đặc biệt là cấp phường/ xã; tạo cơ hội, điều kiện để người khuyết tật bình đẳng, tự tin, phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập đóng góp cho xã hội. Nghiên cứu thực hiện sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức của người khuyết tật có tính chất, chức năng, nhiệm vụ tương đồng; tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật hoạt động có hiệu quả, tiến tới tham gia thực hiện các dịch vụ công của nhà nước về công tác người khuyết tật. Thành lập quỹ tín dụng tạo việc làm đối với người khuyết tật từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội hàng năm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
3. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp người khuyết tật
Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội, các tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật. Tích cực huy động, vận động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật; khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi. Gắn công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật với thực hiện Quyết định số 488/QĐ-TTg, ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh Hải Dương liên quan đến trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật theo các giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng các cấp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội quần chúng các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác người khuyết tật; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật. Tăng cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động trợ giúp người khuyết tật; tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa các tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật với các tổ chức trong và ngoài tỉnh nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hoạt động. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật tại địa phương, đơn vị.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật
Củng cố, kiện toàn, đồng bộ tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật từ tỉnh đến cơ sở, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức theo phương châm: “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, nhân ái, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng”. Tranh thủ các nguồn lực, tạo nguồn kinh phí hoạt động; đề cao trách nhiệm và sự chủ động của tổ chức trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào, các cuộc vận động trong người khuyết tật, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy năng lực, năng khiếu, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho người khuyết tật. Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của người khuyết tật.
Một số hình ảnh hoạt động trợ giúp người khuyết tật tại địa bàn tỉnh Hải Dương có sự tham gia của Trường Đại học Hải Dương:
Tin bài: Khoa Chính trị - Tâm lí - Giáo dục học