Một số giải pháp để đảm bảo quyền được học tập của trẻ khuyết tật

Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; 70% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật; 40% gia đình có người khuyết tật được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho người khuyết tật….

Ảnh minh họa

Những kết quả thực tiễn thu hoạch được từ cuộc khảo sát của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho thấy, để đạt được các mục tiêu của Đề án, cần thiết phải có một giải pháp mang tính đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, của các tổ chức xã hội của người khuyết tật và vì người khuyết tật cũng như chính bản thân gia đình người khuyết tật. Trong đó, các cơ quan hoạch định chính sách cần đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách hiện có, đưa các chính sách, giải pháp vào thực tế cuộc sống như các giải pháp được nêu trong Đề án 1190 của Chính phủ; Quyết định số 1438/QĐ TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025 và các đề án, chương trình hiện có liên quan. Nghiên cứu chỉnh sửa một số văn bản, chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật trong đó có liên quan đến tiếp cận giáo dục của trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục và ngoài cộng đồng. Cần bổ sung các chính sách đặc thù đối với công tác giáo dục trẻ khuyết tật trong các trường học và cơ sở giáo dục chuyên biệt thông qua các nguồn hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, học sinh và cơ sở giáo dục. Trong danh sách Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cần bổ sung đại diện ngành giáo dục, đồng thời, tất cả trường hợp nghi ngờ khuyết tật phải được ghi nhận và sàng lọc để sớm phát hiện và can thiệp cũng như thường xuyên tổ chức khám sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh khuyết tật để giúp nắm bắt, hỗ trợ trẻ kịp thời trong học tập.

Nhà nước cần quan tâm phối hợp với ngành giáo dục để thiết kế, xây dựng sách giáo khoa chữ nổi theo chương trình mới 2018 để các học sinh khiếm thị có thể tiếp cận được với chương trình mới. Hỗ trợ kinh phí để trẻ khuyết tật được sinh hoạt, giao lưu và tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn nữa. Cần sớm xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học, cơ sở giáo dục hòa nhập, xây dựng chương trình học cho trẻ khuyết tật phù hợp với các dạng tật và độ tuổi trên cơ sở đánh giá nhu cầu của các địa phương.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông cần có chỉ tiêu tuyển giáo viên dạy trẻ khuyết tật để dạy học phù hợp với chuyên môn và nhu cầu học tập của trẻ. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hỗ trợ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cho giáo viên đang làm công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong trường về chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật. Có cơ chế chính sách, phụ cấp đặc thù cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Khi có trẻ khuyết tật đang trong độ tuổi đi học, nhu cầu về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ của cha mẹ, người thân trong gia đình trẻ là rất lớn, vì vậy, cộng đồng xã hội cần tổ chức các lớp tập huấn sâu hơn về kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật cho cha mẹ và người thân trong gia đình hỗ trợ trẻ tốt hơn. Xây dựng và phát triển cộng đồng thân thiện hơn với các trẻ khuyết tật để các em gần gũi, hòa nhập hơn với những người xung quanh. Thành lập, phát triển các mô hình giúp cha mẹ tham gia để cùng hỗ trợ lẫn nhau về kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ. Kêu gọi tài trợ, hỗ trợ kinh phí từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… cho các trẻ để có cơ hội đi học, nhất là gia đình nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn Hỗ trợ các gia đình có trẻ khuyết tật về kinh phí, bảo hiểm, các hoạt động khám chữa bệnh định kỳ, chăm sóc trẻ tại cộng đồng.

Các tổ chức hội của và vì người khuyết tật như Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Khuyến học, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam… cần tích cực vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục bao gồm cả trợ giúp cho bản thân trẻ khuyết tật, trợ giúp các cơ sở giáo dục, trường phổ thông để từng bước giải quyết các khó khăn, xóa bỏ các rào cản để các em có điều kiện học tập, hòa nhập với bạn bè, thầy cô và môi trường giáo dục. Các tổ chức hội cũng cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội trong quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình của các cấp, các ngành nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ tại cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với trẻ khuyết tật nói chung và chính sách hỗ trợ trẻ khuyết tật trong giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng trong việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ khuyết tật tiếp cận giáo dục hòa nhập, đồng bộ và phát triển.

Như vậy, với một hệ thống chính sách tương đối đầy đủ cùng những giải pháp đồng bộ toàn diện, sự chung tay của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội, quyền học tập của trẻ em khuyết tật sẽ được đảm bảo, trẻ em khuyết tật Việt Nam sẽ được tiếp cận một nền giáo dục hoà nhập, phát triển, đảm bảo mục tiêu đã đặt ra trong từng giai đoạn phát triển. 

Tin, bài: Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học