Ngày 05 tháng 02 năm 2024 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, trong đó quy định các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới; đánh giá, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng và việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí mang tính đại diện khá đầy đủ cho các lĩnh vực, các mảng hoạt động của một trường đại học.
Để thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các trường đại học phải tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo. Thông qua kiểm định nhằm bảo đảm đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.
Đối với Trường Đại học Hải Dương, trên cơ sở các văn bản triển khai của Bộ giáo dục và Đào tạo về kiểm định chất lượng giáo dục, Nhà trường đã tích cực triển khai thực hiện. Trường đã tiến hành hoàn thiện tự đánh giá cơ sở giáo dục và triển khai đánh giá ngoài. Tháng 5/2021, Trường đã được cấp Giấy chứng nhận số CSGD2021.04/CEA-AVU&C công nhận Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Đối với công tác kiểm định chương trình đào tạo, ngay sau có quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương, lãnh đạo Nhà trường đã đặc biệt quan tâm tới công tác này và tích cực triển khai công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo. Đến nay Trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá 04 ngành bậc đại học và 01 ngành cao đẳng sư phạm là: Kế toán, Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật điện. Ngôn ngữ Anh và Cao đẳng Sư phạm Mầm non. Các báo cáo tự đánh giá đã được hoàn thiện gửi Cục quản lý chất lượng - Bộ giáo dục và Đào tạo và được Cục cho phép triển khai các bước tiếp theo của công tác đánh giá ngoài chương trình đào tạo.
Qua quá trình triển khai công tác tự đánh giá chương trình đào tạo, có thể thấy công tác kiểm định chất lượng giáo dục có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Kiểm định chất lượng không chỉ là bảo đảm Nhà trường có trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo mà còn mang lại động lực cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cũng như chất lượng toàn trường. Thông qua việc kiểm định chất lượng chương trình giúp cho nhà trường giải quyết các vấn đề tồn đọng và nâng cao chất lượng các hoạt động của trường.
Có thể thấy vai trò của kiểm định chất lượng chương trình đào tạo qua các vấn đề sau:
Thứ nhất, kiểm định chương trình đào tạo giúp nhà trường thấy được hiện trạng của Chương trình đào tạo.
Nhà trường đánh giá hiện trạng của chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra như thế nào - tức là hiện trạng chương trình đào tạo có chất lượng và hiệu quả ra sao. Đánh giá hiện trạng những điểm nào là điểm mạnh so với các tiêu chuẩn đề ra của chương trình đào tạo. Đánh giá hiện trạng những điểm nào là điểm yếu so với các tiêu chuẩn đề ra của chương trình đào tạo.
Trên cơ sở điểm mạnh và điểm yếu phát hiện được so với các tiêu chuẩn đề ra, Nhà trường định ra kế hoạch phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển.
Thứ hai, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo góp phần xây dựng được văn hoá chất lượng cho Nhà trường. Nhà trường xây dựng được văn hoá chất lượng là khi mà mỗi thành viên trong nhà trường đều biết công việc của mình và của những người liên quan thế nào là chất lượng và nhờ đó biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình và góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng.
Thứ ba, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo góp phần định hướng các hoạt động của xã hội.
Định hướng lựa chọn đầu tư của người học, của phụ huynh đối với Nhà trường, khi chương trình đào tạo có chất lượng và hiệu quả phù hợp với khả năng của mình.
Định hướng lựa chọn đầu tư của nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực theo những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển trong tương lai.
Định hướng đầu tư của các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực thích hợp cho doanh nghiệp của mình.
Định hướng phát triển cho Nhà trường tăng cường năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước (xây dựng văn hoá chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học thuật, quản lý và tài chính,…).
Định hướng cho sự hợp tác đào tạo (chuyển đổi, công nhận văn bằng chứng chỉ,…) của Nhà trường với các cơ sở giáo dục khác.
Thứ tư, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo góp phần thực hiện mục tiêu tự chủ đại học của Nhà trường.
Thông qua kiểm định quyền tự chủ (quản lý, học thuật và tài chính) của Nhà trường được mở rộng, từ đó Nhà trường thực hiện được tự chủ đại học.
Có thể khẳng định, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo không những mang lại cho cộng đồng bằng chứng về chất lượng đào tạo của Nhà trường mà còn mang lại cơ hội và động cơ để nâng cao chất lượng cho Nhà trường sau khi được kiểm định.
Tổng hợp: Phòng Đảm bảo chất lượng - Thanh tra