Trường Đại học Hải Dương tiếp tục tổ chức tập huấn trực tuyến và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến cho giảng viên

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, xu hướng chuyển đổi số; trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện sự chỉ đạo của cơ quan quản lý các cấp, từ khi đợt dịch bắt đầu bùng phát tại Hải Dương cuối tháng 01/2021 Trường Đại học Hải Dương đã điều chỉnh hình thức giảng dạy và học tập, hình thức thi kết thúc các học phần còn lại của Học kỳ I năm học 2020-2021 sang hình thức trực tuyến, viết tiểu luận nhằm ứng phó và phòng, chống dịch bệnh.

Để chuẩn bị triển khai Kế hoạch giảng dạy, học tập Đợt 1 học kỳ II năm học 2020-2021 của Nhà trường theo hình thức trực tuyến; nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các giảng viên có thể sử dụng đa dạng hóa các công cụ phần mềm để giảng dạy trực tuyến ngoài các phần mềm đã được tập huấn và ứng dụng trước đó như ZoomMeeting, Microsoft Teams… trong 02 ngày bắt đầu từ chiều ngày 24/02/2021 đến chiều ngày 25/02/2021, Trường Đại học Hải Dương tiếp tục tổ chức tập huấn trực tuyến và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến cho giảng viên giảng dạy trong toàn Trường.

Tổ Quản trị kỹ thuật hệ thống CNTT phục vụ công tác đào tạo trực tuyến của Nhà trường (gồm một số thành viên Phòng Đào tạo Đại học và Sau đại học, Phòng Đảm bảo chất lượng - Thanh tra, Trung tâm Tin học) đã hướng dẫn trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm cho các giảng viên cách thức sử dụng bộ công cụ phần mềm G-suite của Google bao gồm G-Meet, G-Calendar, Gmail, … trong việc giảng dạy trực tuyến được hiệu quả, các kỹ năng giảng dạy trực tuyến, giao bài tập hoặc hướng dẫn tự học cho sinh viên,  tổ chức và quản lý lớp học…

Tính năng thêm người quản lý trong tiện tích của G-Meet, các đường link tham khảo để tối đa các tiện ích của G-Meet, G-Calendar

Các giảng viên được trao đổi và hỗ trợ giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình đăng nhập vào hệ thống trực tuyến, kinh nghiệm lập lịch cho lớp học và mời người tham dự; tạo một buổi học, họp online và cho phép sinh viên vào lớp trên G-Meet, G-Calendar; cách thêm tài nguyên, chia sẻ các tài liệu liên quan vào lớp học trên các công cụ phần mềm khác nhau; so sánh ưu, nhược điểm giữa các công cụ phần mềm để lựa chọn công cụ tối ưu cho việc giảng dạy trực tuyến theo từng đối tượng người học, tính chất của học phần. Các công cụ phần mềm sẽ giúp giảng viên mang đến các bài giảng trực tuyến sinh động, tương tác hiệu quả và đánh giá được quá trình tham gia, thảo luận, đóng góp ý kiến của người học. Hình thức học tập này cũng giúp cho người học chủ động hơn trong quá trình tự học, nghiên cứu, làm việc nhóm và nộp bài cho giảng viên một cách nhanh chóng qua môi trường mạng.

Các giảng viên, đơn vị quản lý tích cực tham gia trao đổi kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến

Để chuẩn bị cho học phần học online, người học cần tuân thủ các nội quy học tập trực tuyến của Nhà trường; đảm bảo máy tính/ điện thoại/ Ipad kết nối Internet, không gian yên tĩnh, nên dùng headphone và tránh mở loa rời. Sinh viên/ Học viên có mặt trước 10 phút để điểm danh, không tự ý bấm các nút thực hiện cuộc gọi; thường xuyên chủ động kiểm tra email, theo dõi các thông báo mới nhất và có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, hoàn thành các bài học, bài tập theo yêu cầu của giảng viên và thời khoá biểu.

Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo trực tuyến không chỉ phát huy hiệu quả trong mùa dịch mà còn là một cơ hội, giải pháp để người giảng viên đổi mới chính mình. Trường Đại học Hải Dương với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Nhà trường cùng sự quyết tâm đồng lòng của toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động và sinh viên, học viên trong việc tổ chức đào tạo bằng hình thức trực tuyến, mỗi Thầy/Cô đã thực sự trở thành người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, sẵn sàng dùng các thiết bị giảng dạy trực tuyến hiện đại thay thế thiết bị trực tiếp, giáp mặt, phấn bảng; sẵn sàng giảng dạy, nghiên cứu, trải nghiệm những công nghệ kỹ thuật mới, kỹ năng mới để tạo nên chất lượng bài giảng tốt nhất. Mỗi Thầy/Cô không chỉ hoàn thành nhiệm vụ với Nhà trường, với người học mà còn hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, góp sức mình trong công cuộc đào tạo, dạy học trực tuyến và thực hiện mục tiêu kép của ngành Giáo dục tỉnh nhà nói riêng, của nước ta nói chung ở thời điểm đặc biệt này.

Tin, bài và ảnh: Kim Nhung, Phạm Thanh, Lê Nguyệt