Giảng viên Khoa Chính trị - Tâm lí - Giáo dục học cùng CLB sinh viên tình nguyện Trường Đại học Hải Dương tham gia chương trình "VietNam Autism Awareness Day" - Vì một cộng đồng thân thiện với trẻ tự kỉ

Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm các tình trạng liên quan đến sự phát triển của não bộ. Các chuyên gia ước tính rằng trên toàn thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. “Tự kỷ” không còn là cụm từ xa lạ nhưng rất nhiều người không hiểu đúng về khái niệm này, thậm chí có những định kiến sai về nó. Việc có định kiến với trẻ tự kỉ là việc làm sai, suy nghĩ sai dẫn đến hiện tượng trẻ tự kỉ bị xa lánh, gia đình có trẻ tự kỉ mặc cảm về con của mình. Thực tế, nếu trẻ tự kỉ được phát hiện sớm, được giáo dục can thiệp sớm, can thiệp đúng cách thì dù có khó khăn trong tương tác xã hội, trẻ tự kỷ vẫn có thể hòa nhập cộng đồng.

Chiều ngày 29/03/2024, giảng viên Bộ môn Tâm lí - Giáo dục học Khoa Chính trị - Tâm lí - Giáo dục học của Trường Đại học Hải Dương cùng câu lạc bộ Thanh Niên Tình Nguyện của trường đã tham gia chương trình " Vietnam Autism Awareness Day" - Vì một cộng đồng thân thiện với trẻ tự kỉ.

Nuôi dưỡng một đứa trẻ tự kỷ đã gặp nhiều khó khăn, những định kiến và sự nhận thức chưa đúng về rối loạn này càng như những mũi tên làm tổn thương trái tim các gia đình có trẻ tự kỷ.

Chương trình “Vì một cộng đồng thân thiện với trẻ tự kỉ” với ý nghĩa nhân văn là nhằm nâng cao nhận thức của cộng  đồng về trẻ tự kỷ, xóa đi khoảng cách cùng những định kiến, kết nối những vòng tay yêu thương đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Hải Dương tham gia chương trình " Vietnam Autism Awareness Day"

Nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về trẻ rối loạn phổ tự kỉ cũng như nêu bật những đóng góp của người tự kỷ trên toàn Thế giới, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 02/04 hằng năm là ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”. 

Trường Đại học Hải Dương với đội ngũ giảng viên chuyên ngành Tâm lí học và đội ngũ giảng viên chuyên ngành Giáo dục học trình độ chuyên môn cao đã có những việc làm thiết thực góp sức mình vào mục tiêu làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức chưa đúng của xã hội đối với trẻ phổ tự kỉ. Với nhiều hoạt động thiết thực, chương trình “Vì một cộng đồng thân thiện với trẻ tự kỉ” đã nhận được sự quan tâm của cha mẹ có trẻ tự kỉ trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các bé được gặp gỡ, vui chơi, giao lưu đắm mình trong không gian xanh của Trung tâm trải nghiệm Thế giới xanh của thành phố Hải Dương.

Giáo viên và phụ huynh là những người có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ tự kỷ. Nếu phụ huynh có kiến thức và giáo viên có kỹ năng chuyên môn tốt, đánh giá đúng và sớm can thiệp đồng thời can thiệp  đúng phương pháp sẽ giúp trẻ có nhiều tiến bộ. Ngược lại, nếu phụ huynh thiếu kiến thức, giáo viên thiếu kỹ năng và chuyên môn kém sẽ làm mất cơ hội hòa nhập của trẻ tự kỷ… Thực tế cho thấy, một đứa trẻ không may mắc hội chứng tự kỷ nếu được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ hiểu biết, có điều kiện kinh tế sẽ có cơ hội hòa nhập tốt hơn một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, có cơ hội hòa nhập xã hội thì rất cần sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu thiếu một trong ba nhân tố này thì trẻ tự kỷ sẽ mất đi cơ hội được can thiệp sớm - “cơ hội vàng” giúp trẻ tự kỷ tiến bộ và hòa nhập xã hội.

Tin bài: Khoa Chính trị - Tâm lí - Giáo dục học