Ảnh minh họa |
Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tâm- sinh lý của trẻ, giúp trẻ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Gia đình là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Nếu trẻ sống trong gia đình cả cha và mẹ đều đồng lòng giáo dục, nói chuyện, khuyến khích, hướng dẫn, nâng đỡ và cùng có chung kỳ vọng nơi con cái thì đây là những yếu tố giúp bảo vệ và phát triển nhân cách tốt cho trẻ. Nếu gia đình lâm vào tình trạng bất hòa, xung đột, gặp nhiều khủng hoảng ... và hậu quả là ly thân hoặc ly hôn thì trẻ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. |
Quả thực, ly hôn là một hiện tượng xã hội không chỉ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người chồng, người vợ mà nó còn ảnh hưởng đến những đứa con. Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng các cặp vợ chồng ly hôn trên thế giới và ngay ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Ở các nước phương Tây “một phần ba các cuộc hôn nhân dẫn tới kết cục ly hôn” ( Ouradou, 1999). Ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất thì có thể nói, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện nay tính đến năm 2023, lên tới mức 60.000 vụ/năm. Tương đương với 0,75 vụ/1000 dân. Nhìn con số ly hôn ấy, có thể được đánh giá là một con số vô cùng đáng báo động đỏ. Tỷ lệ kết hôn so với ly hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 04 cặp vợ chồng khi đi đăng ký kết hôn thì sẽ có 01 cặp vợ chồng ra tòa ly hôn. |
|
Hiện tượng ly hôn của các bậc cha mẹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm- sinh lý của những đứa trẻ: trẻ có thể có những biểu hiện gắn liền với sự lo âu, sợ hãi, xáo trộn về cảm xúc, vì thế khó tập trung, giảm trí nhớ trong học tập nên kết quả bị giảm sút. Một số trẻ khác trở nên mặc cảm, ngại tiếp xúc với xã hội, hoặc cũng có khi nó trở nên phá phách để thu hút sự quan tâm của cha mẹ… Tuy nhiên, xét dưới góc độ tâm lý- giáo dục, chúng tôi nhận thấy trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang có sự biến đổi lớn không chỉ về sinh lý mà còn về tâm lý. Do vậy, nếu cha mẹ ly hôn trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm lý của các em. |
Ảnh minh họa |
Việt Nam có khoảng 7,7 triệu trẻ vị thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 19, chiếm khoảng 10% tổng dân số (BMI, 2021). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, phần lớn trẻ em có cha mẹ ly hôn bộc lộ những hành vi như hiếu chiến, chối bỏ, xâm kích, thu mình và những hành vi chống đối xã hội khác. Các nghiên cứu so sánh của các nước phương Tây cho thấy trẻ em có cha mẹ ly hôn tồn tại tỉ lệ cao có ý nghĩa về mặt thống kê những hành vi không phục tùng, chống đối xã hội, hiếu động, những khó khăn trong quan hệ, trong học tập hay trong quá trình thích nghi xã hội. |
|
Ảnh minh họa |
Một số nghiên cứu về các nguyên nhân của ảnh hưởng đến hành vi thì việc cha mẹ ly hôn là yếu tố dự báo mạnh nhất. Cụ thể, trẻ sống trong gia đình ly hôn có biểu hiện tổn thương hành vi gấp 12 lần so với trẻ em của gia đình toàn vẹn. Mặt khác, trẻ em có cha mẹ ly hôn được báo cáo như những trẻ có hàng loạt các vấn đề về hành vi và tình cảm như hành vi xâm kích, thu mình và các hành vi chống đối xã hội. Hành vi xâm kích thường có ở những em mà ly hôn của cha mẹ chúng là kết cục của những cuộc cãi vã, giận dữ và những mâu thuẫn trầm trọng. |
Hành vi thu mình, co lại của trẻ có bố mẹ ly hôn lại liên quan nhiều đến lòng tự trọng của trẻ. Chính điều này hạn chế trẻ rất nhiều trong các quan hệ xã hội, trong các hoạt động xã hội. Vì thế, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ ly hôn đến tâm lý của trẻ vị thành niên là vô cùng cần thiết. Đề tài trẻ em trong các gia đình ly hôn được nhiều nhà khoa học, nhiều nhà nghiên cứu quan tâm ở các khía cạnh khác nhau. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều khẳng định vai trò quan trọng của gia đình đối với trẻ; sự đổ vỡ gia đình ảnh hưởng rất lớn đến các mặt đời sống của trẻ, của xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã tìm hiểu, đưa ra các giải pháp bảo vệ trẻ sau khi cha mẹ ly hôn. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều dừng lại ở góc độ tìm hiểu, giúp trẻ đảm bảo quyền lợi về mặt vật chất trong cuộc ly hôn giữa cha và mẹ, chưa đi sâu khảo sát, tìm hiểu thực trạng ảnh hưởng của cha mẹ ly hôn đến đời sống tinh thần của trẻ vị thành niên cũng như các nhu cầu khác, chưa đề xuất được các giải pháp giúp nâng cao năng lực ở trẻ vị thành niên, đặc biệt là ở một địa bàn cụ thể như Hải Dương. Nguồn: Khoa Chính trị - Tâm lí - Giáo dục học |