Khát vọng hòa bình luôn là mong muốn của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hơn 4 nghìn năm lịch sử. Kể từ khi các vua Hùng dựng nước, đến nay nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Để có được cuộc sống hòa bình hôm nay, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ngã xuống, hy sinh xương máu cho đồng bào. Biết ơn các anh hùng liệt sĩ, hàng năm đến ngày 27/7 nhân dân ta Lễ kỷ niệm tưởng nhớ công ơn các thương binh, liệt sĩ.
Lịch sử của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xú tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn. Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.
Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “ mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên.
Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Sinh viên Trường Đại học Hải Dương tham gia tình nguyện tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày 27/7
Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ, ngày 21/7/2024 Trường Đại học Hải Dương đã tổ chức hoạt động tình nguyện dọn mộ, thắp hương, thăm hỏi tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ. Tham gia tình nguyện có cán bộ nhân viên phòng Công tác sinh viên - Việc làm, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và đại diện các sinh viên nhà trường. Buổi tình nguyện có ý nghĩa lớn, giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt si. Tiếp nối truyền thống cha anh, các án bộ giảng viên, nhân viên cùng toàn thể sinh viên Trường Đại học Hải Dương nguyện cố gắng hết mình trong giảng dạy, học tập và rèn luyện, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh./.
Giảng viên Phạm Ngọc Anh - Phòng CTSV-VL tham gia tình nguyện tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày 27/7
Tin, bài: Phòng Công tác sinh viên - Việc làm