Nâng cao chất lượng dạy và học học phần Quản trị chi phí kinh doanh đối với sinh viên bậc Đại học, ngành Quản trị kinh doanh

Sáng ngày 20/5/2024, tại Văn phòng Khoa Kinh tế - Quản trị, Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý 2 năm 2024 về chủ đề Nâng cao chất lượng dạy và học học phần Quản trị chi phí kinh doanh đối với sinh viên bậc Đại học, ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hải Dương.

Mục tiêu của chuyên đề tập trung tìm giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học học phần Quản trị chi phí kinh doanh, bậc đại học đối với sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hải Dương, trên cơ sở thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học “Lấy người học làm trung tâm, học đi đôi với hành” theo đúng định hướng của Đảng và triết lý giáo dục của Nhà trường “Học để làm được việc”.

  

Ảnh: Đ/c Hồ Thị Thuý trình bày nội dung chuyên đề

 

Đồng chí Hồ Thị Thúy trình bày nội dung và đặc điểm học phần; Thực trạng giảng dạy và kết quả học tập Học phần Quản trị chi phí kinh doanh: là học phần chuyên ngành của ngành đào tạo Quản trị kinh doanh bậc đại học, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn được thực hành các bài toán khác nhau về chi phí kinh doanh. Thực tế đa phần sinh viên chính quy chưa biết hoạt động thực tế của doanh nghiệp nên gặp nhiều khó khăn khi làm các bài tập về chi phí của doanh nghiệp. Hệ thống bài tập giả định, chưa có lĩnh vực, ngành nghề hay doanh nghiệp cụ thể  nên sinh viên gặp khó khăn trong nhận diện các loại chi phí, tính toán và làm các bài tập liên quan đến quản trị chi phí kinh doanh. Mộ số sinh viên có kết quả điểm thi chưa tốt. Trong khi thực tế doanh nghiệp, dữ liệu hoàn toàn được xử lý trên phần mềm. Chuyên đề cũng đưa ra một số giải pháp:

(1) Về phía giảng viên, Khoa, Nhà trường

- Giảng viên tích cực, chủ động học tập nâng cao kiến thức thực tiễn hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, vận dụng vào công tác giảng dạy;

- Thay đổi phương pháp ra đề và đánh giá: Xây dựng hệ thống bài tập thực hành gắn với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Xây dựng báo cáo về quản trị chi phí kinh doanh gắn với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, yêu cầu sinh viên đọc, hiểu, phân tích, sử dụng thông tin để ra các quyết định quản trị.

- Thay đổi cách tổ chức lớp học: Trong thời lượng 2 tín chỉ (20 tiết lý thuyết + 10 tiết thảo luận, bài tập), dành thời gian 05 tiết, mời cán bộ quản lý doanh nghiệp phụ trách về quản trị chi phí kinh doanh, có thể là kế toán chi phí, quản đốc phân xưởng… về giảng dạy, chia sẻ công tác quản trị chi phí tại doanh nghiệp cho sinh viên.

- Khoa, Nhà Trường kết nối giúp sinh viên được đi thực tế chuyên sâu tại doanh nghiệp về quản trị chi phí kinh doanh.

(2) Về phía sinh viên

- Tích cực, chủ động học tập: tham gia đầy đủ các buổi học; đọc bài giảng, làm bài tập trước khi đến lớp; tự tìm kiếm tài liệu liên quan; quan sát, học hỏi hoạt động thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.

- Vận dụng kiến thức quản trị chi phí kinh doanh trong thực tế quản trị chi phí cá nhân, gia đình và doanh nghiệp.

(3) Một số đề xuất

- Nhà trường xây dựng định mức cụ thể về chi phí cho cán bộ quản lý doanh nghiệp về chia sẻ cho sinh viên.

- Khai thác nguồn cựu sinh viên khối ngành Kinh tế về chia sẻ kiến thức thực tiễn về quản trị chi phí cho lớp sinh viên với tinh thần hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ.

Tiếp theo là phần thảo luận, các đảng viên đã tích cực tham gia ý kiến để bổ sung và góp ý cho chuyên đề Nâng cao chất lượng dạy và học học phần Quản trị chi phí kinh doanh đối với sinh viên bậc Đại học, ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hải Dương.

 

Ảnh: Các đảng viên thảo luận về nội dung chuyên đề

Các ý kiến tập trung vào các nội dung: áp dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, cách thức ra đề đảm bảo chuẩn đầu ra của học phần và phù hợp với từng đối tượng người học. Đặc biệt, có nhiều ý kiến đánh giá và thảo luận xoay quanh tính khả thi của giải pháp mời cán bộ quản lý doanh nghiệp về chia sẻ thực tiễn quản trị chi phí kinh doanh, cách thức tổ chức và chi phí thực hiện. Học phần cũng được đề xuất tiếp cận theo hướng quản trị chức năng cho sát hơn nữa với chuyên ngành đào tạo.

Sau phần thảo luận đồng chí bí thư chi bộ kết luận một số nội dung trọng tâm: Cập nhật, bổ sung kiến thức thực tiễn cho học phần, rà soát kết cấu nội dung các chương cho phù hợp hơn với ngành Quản trị kinh doanh; Tiếp cận học phần theo hướng quản trị chức năng; Xây dựng hệ thống bài tập gắn với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp; Các bài tập cần phát huy kỹ năng về phân tích, đánh giá, phản biện và ra quyết định của sinh viên cho từng tình huống kinh doanh cụ thể. Kết hợp với học phần Thực tế cơ sở ngành và học phần Thực hành chuyên ngành để kết nối với doanh nghiệp giúp sinh viên có kiến thức thực tiễn về quản trị chi phí kinh doanh, ưu tiên kết nối với các cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh đang khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp.

Buổi sinh hoạt chuyên đề đã làm rõ nội dung và giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học học phần Quản trị chi phí kinh doanh, đối với sinh viên bậc đại học, ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hải Dương. Các giải pháp sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm học tới để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học học phần Quản trị chi phí kinh doanh, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quản trị kinh doanh nói chung đáp ứng yêu tuyển dụng của các đơn vị doanh nghiệp./.

 Tin bài: Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị