Sáng ngày 14/06/2025, tại Văn phòng Khoa, Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý 2 năm 2025 về chủ đề “Nâng cao năng lực số cho giảng viên Trường Đại học Hải Dương”.
Mục tiêu của chuyên đề tập trung nâng cao năng lực số cho giảng viên Trường Đại học Hải Dương nói chung và giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị nói riêng.
Ảnh: Đ/c Hồ Thị Thuý trình bày nội dung chuyên đề
Theo UNESCO, năng lực số là “Khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông”.
Trong xu hướng số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, năng lực số của giảng viên (GV) đã trở thành một năng lực cốt lõi không thể thiếu đối với hoạt động dạy và học ở các trường đại học cũng như các hoạt động xã hội có liên quan đến lĩnh vực số. Năng lực số của GV đại học là năng lực giảng dạy số, là một tập hợp các giá trị, niềm tin, kiến thức, kĩ năng và thái độ của GV liên quan đến các khía cạnh công nghệ, thông tin và giao tiếp được sử dụng công nghệ số trong bối cảnh chuyên môn.
Căn cứ trên các khung năng lực số do các tổ chức, cá nhân Việt Nam và trên thế giới đề xuất, chuyên đề tiếp cận khung năng lực số JISC (Jisc Digital Capabilities Framework) - là một bộ khung toàn diện được phát triển bởi tổ chức JISC ở Anh, cung cấp hướng dẫn về các kỹ năng số cần thiết cho cá nhân và tổ chức trong môi trường giáo dục và đào tạo. Khung JISC bao gồm các chỉ số đánh giá kỹ năng số và thực tiễn học thuật, nhằm tích hợp kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Điều này phù hợp với mục tiêu của Trường Đại học Hải Dương nói chung và của Khoa Kinh tế - Quản trị nói riêng trong việc nâng cao năng lực số (NLS) cho đội ngũ GV, để họ có thể ứng dụng công nghệ hiệu quả trong công việc giảng dạy và nghiên cứu. Việc sử dụng Khung JISC giúp đưa ra những đánh giá về khả năng vận hành thành công của GV trong một xã hội số hóa; là cơ sở để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu về NLS trong môi trường giáo dục đại học.
Khung JISC bao gồm sáu lĩnh vực chính, giúp GV phát triển và đánh giá NLS của mình.
(1) Năng lực số cơ bản (Foundational digital capabilities): Bao gồm các kỹ năng cơ bản để sử dụng công nghệ, như sử dụng thiết bị, phần mềm và các ứng dụng trực tuyến.
(2) Thông tin (Information): Liên quan đến việc tìm kiếm, đánh giá, quản lý và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, bao gồm cả thông tin trên mạng.
(3) Giao tiếp (Communication): Khả năng giao tiếp và hợp tác thông qua các công cụ kỹ thuật số, bao gồm cả việc sử dụng các mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
(4) Tạo nội dung (Creating content): Khả năng tạo ra các nội dung số, chẳng hạn như tài liệu, bài thuyết trình, video, và các hình thức truyền thông khác.
(5) Học tập và phát triển (Learning and Development): Khả năng sử dụng công nghệ để hỗ trợ việc học tập và phát triển bản thân, bao gồm cả việc học trực tuyến và sử dụng các công cụ học tập số.
(6) An toàn số (Digital safety): Các kỹ năng liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn khi sử dụng các công cụ và dịch vụ trực tuyến.
Chuyên đề tập trung thảo luận và đưa ra một số giải pháp nâng cao năng lực số cho giảng viên, đặc biệt là giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Hải Dương.
Về phía Khoa, Trường:
(1) Nâng cao nhận thức cho GV về chuyển đổi số trong quá trình dạy học: Chuyển đổi số là bước chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người. Để thực hiện chuyển đổi số thành công tại Trường Đại học Hải Dương, GV cần nhận thức sâu sắc chuyển đổi số là vấn đề tất yếu, là sự sống còn trong bối cảnh hội nhập. Mỗi GV phải tự nhận thức được sự cần thiết, cấp bách của chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, để từ đó không ngừng xác định cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay và luôn luôn có ý thức tự học, tự tiếp cận công nghệ mới trong giáo dục giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng giảng dạy đảm bảo chất lượng đào tạo đạt hiệu quả cao nhất, cụ thể:
- Tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo định kì, trong giáo dục và hội nhập quốc tế: Mời các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, các cán bộ chuyên môn về chuyển đổi số trong doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xu hướng và tiến triển mới nhất trong lĩnh vực giáo dục;
- Tổ chức các khoá tập huấn trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp về NLS: Thiết kế bài giảng số, nguồn học liệu số; Thiết kế khoá học trực tuyến (video, bài giảng e-learning, slide, quizizz…); Sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến (LMS như Moodle, Canvas, Google Classroom); Ứng dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy (Zoom, MS Teams, Kahoot, Mentimeter...); Tổ chức dạy học kết hợp (Blended learning), dạy học trực tuyến (Online learning); AI trong giáo dục; Bảo mật thông tin; Phân tích học tập, sử dụng dữ liệu học tập để cải thiện việc giảng dạy …;
- Thúc đẩy việc tăng cường sử dụng công nghệ trong giảng dạy: Khuyến khích và hỗ trợ GV ứng dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy; Tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng số, đổi mới phương pháp giảng dạy; Xây dựng mô hình giảng dạy mẫu có áp dụng công nghệ để nhân rộng; Khuyến khích chia sẻ thành công, học liệu mở, bài giảng số, video, … trên cổng học liệu số của Trường;
(2) Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục: Nhà trường cần hoàn thiện, nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ tốt cho việc GV ứng dụng công nghệ số vào quá trình tổ chức hoạt động dạy học; Tăng cường đầu tư kết nối các công nghệ hiện đại trên thế giới như AI, Big data, IoT, Blockchain, ... với cơ sở dữ liệu số để xây dựng hệ thống thu thập thông tin, đưa ra dự báo và thiết lập ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.
(3) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích GV nâng cao năng lực số:
- Trường ghi nhận năng lực số như là một tiêu chí đánh giá giảng viên; Cộng điểm thi đua, khen thưởng với những GV có sáng kiến đổi mới, tích cực ứng dụng công nghệ làm động lực thúc đẩy sự cố gắng của các GV khác.
- Trường nên phát triển các chính sách cụ thể, minh bạch, công bằng để hỗ trợ GV trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ giáo dục: Cung cấp nguồn tài trợ để mua sắm thiết bị và phần mềm; Hỗ trợ kĩ thuật và đào tạo; Các chính sách khuyến khích tham gia vào các hội thảo, khóa học và hoạt động liên quan đến NLS;
- Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Trường để hỗ trợ việc phát triển NLS cho GV. Thu hút nguồn tài trợ, đào tạo chuyên sâu, cơ hội thực tập của các đối tác là tổ chức và doanh nghiệp để giúp GV có thể trải nghiệm các ứng dụng thực tiễn của công nghệ giáo dục, đặc biệt sớm tiếp cận các công nghệ mới trong giáo dục;
- Xây dựng khung năng lực số của Trường để thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì hiệu quả của các chính sách và giải pháp hỗ trợ NLS cho GV; Lấy ý kiến phản hồi của SV về việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy để đề ra biện pháp giúp cải thiện và điều chỉnh chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số của GV.
Về phía giảng viên:
(1) Thay đổi tư duy, nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số, nâng cao năng lực số là sự sống còn của Trường, Khoa và chính mỗi GV;
(2) Chủ động tự học và phát triển cá nhân: Giảng viên cần chủ động cập nhật và phát triển năng lực số của bản thân thông qua: Tham gia các khóa học online miễn phí/có phí: Coursera, edX, FutureLearn, Microsoft Learn; Theo dõi các kênh YouTube về công nghệ giáo dục; Tự xây dựng kế hoạch phát triển năng lực số cá nhân;
(3) Chủ động ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy các học phần mình phụ trách, có khảo sáy ý kiến SV, có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực số bản thân.
Sau khi đồng chí Hồ Thị Thuý trình bày nội dung chuyên đề, các đảng viên đã tích cực tham gia thảo luận để bổ sung và góp ý cho chuyên đề “Nâng cao năng lực số cho giảng viên trường Đại học Hải Dương”.
Các ý kiến đồng ý với thay đổi tư duy, nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số; chủ động học tập, ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học; đánh giá và thảo luận tính khả thi của giải pháp mời chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cán bộ chuyên môn về chuyển đổi số ở doanh nghiệp về chia sẻ thông tin, xu hướng và tiến triển mới nhất trong lĩnh vực giáo dục, khó khăn về nhân sự, chi phí…
Tiếp theo, đồng chí bí thư chi bộ kết luận một số nội dung trọng tâm: Tất cả các giảng viên trong Khoa thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số và quyết tâm chủ động tự học, ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học; đề xuất với Trường về việc tổ chức hội thảo nâng cao năng lực số cho GV; Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích GV nâng cao NLS:
Buổi sinh hoạt chuyên đề đã làm rõ nội dung và giải pháp nâng cao năng lực số cho giảng viên, đặc biệt là giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Hải Dương.
Tin bài: Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị