Đất nước Nhật Bản dưới góc nhìn văn hóa

Trước khi sang Nhật Bản, chúng tôi đã được nghe rất nhiều về đất nước bạn. Nhưng khi đặt chân xuống sân bay, chúng tôi vẫn thật sự choáng ngợp, trước hết choáng ngợp bởi sự rộng lớn của sân bay Quốc tế Kansai. Đây là công trình do kiến trúc sư Renzo Piano xây dựng trên một đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka. Cây cầu ra sân bay dài 3.500 m.. Sân bay Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo với tổng diện tích 511 ha. Hòn đảo nằm trên vịnh Osaka cách đất liền 5 km. Sự ưu việt của công trình này là toàn bộ tòa nhà sân bay hầu như không có bê tông mà chỉ là những thanh giằng bằng thép không rỉ lắp ráp với kính màu. Từ trên không trung nhìn xuống tòa nhà sân bay trông như một con chim lớn đang xòe hai cánh với nóc nhà có hình uốn lượn như sóng biển. Nhìn tổng thể công trình vô cùng nhẹ nhàng và thanh thoát. Nhìn ngắm sân bay, chúng tôi trầm trồ thán phục về sức mạnh kì vĩ của bàn tay, khối óc của con người Nhật Bản.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Trường Đại học Osaka. Trường Đại học Osaka thành lập năm 1931, nằm tại thành phố Suita của tỉnh Osaka. Trường có 11 khoa và 15 Đại học thành viên. Đại học Osaka xếp hạng 75 trong danh sách những đại học chất lượng nhất thế giới năm 2010 theo ARWU và xếp thứ 3 về quy mô và uy tín trong các Trường Đại học ở Nhật Bản (sau Đại học Tokyo và Đại học Kyoto). Đại học Osaka được đánh giá là một trong những trung tâm đào tạo khoa học cơ bản, công nghệ và y tế hàng đầu ở châu Á. Trường đã đào tạo ra nhiều nhà nghiên cứu xuất chúng như Akio Morita, người sáng lập ra Sony, Hideki Yukawa người từng giành được giải Nobel Vật lí 1949 nhờ những công trình được thực hiện trong thời kì làm việc tại Đại học Osaka. Trường Đại học Osaka với tôn chỉ mục đích "nuôi dưỡng năng lực và tố chất theo yêu cầu của con người quốc tế". Đúng như tên gọi, ở đây sinh viên có thể hoạt động trong thế giới đang ngày càng quốc tế hóa. Trường đào tạo ra những sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được những yêu cầu của các nhà tuyển dụng hàng đầu thế giới. Đó cũng là thành công lớn nhất mà nhiều đại học khác đang cần học hỏi ở Osaka. Trường Đại học Hải Dương chúng tôi vốn đã có cách nhìn nhận mới về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Học hỏi từ Đại học Osaka, chúng tôi một lần nữa, nhận thức sâu sắc về việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng trong tình hình mới. Trường Đại học Hải Dương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường thường xuyên cập nhập chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng hiện đại, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Sinh viên học tại trường được thực hành, thực tập, được tư vấn giới thiệu việc làm thêm trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường.

Trường Đại học Hải Dương chụp ảnh lưu niệm với Đại học Osaka

Tại Đại học Osaka, đón tiếp chúng tôi là một vị giáo sư người Nhật nhưng ông nói tiếng Việt quá thành thục, sử dụng cả những câu thành ngữ Việt rất cổ khiến chúng tôi cúi đầu ngưỡng mộ. Vị giáo sư cùng với các cộng sự của mình đã đưa chúng tôi đi thăm các phòng học thực hành, khu thư viện và nhiệt tình thuyết minh với chúng tôi từng vấn đề.
Rời Trường Đại học Osaka, chúng tôi được người bạn đồng hành dẫn đi dạo quanh thành phố Osaka với điểm dừng chân là Lâu đài Osaka. Lâu đài Osaka nằm trên khu đất chỉ rộng một km vuông. Nó được xây trên hai bệ đá cao tựa vào hai vách tường đá dựng đứng, bao quanh bởi hai con hào. Kiến trúc lâu đài trung tâm có 5 tầng ở phía ngoài và 8 tầng ở phía trong, và được xây trên một tảng đá cao để bảo vệ người trong thành chống lại những kẻ tấn công. Ngắm nhìn cảnh sắc tráng lệ nơi đây, chúng tôi thực sự đã có những khoảng thời gian ngưng đọng ý nghĩa. Đến với Osaka chúng tôi còn được tận hưởng nhiều những cung bậc cảm xúc, có thể trải nghiệm thực tế bằng việc tự mình đến các khu mua sắm đa dạng nơi đây. Nếu bạn là một cô nàng yêu thích hàng hiệu thì khu mua sắm Shinsaibashi chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua. Khu Amerikamura là nơi bạn có thể sắm được các món đồ vintage độc đáo, thời trang, tương tự như văn hóa Harajuku ở Tokyo, với phong cách punk và rock cá tính. Ngoài ra, Denden Town ở đây cũng là thiên đường cho các tín đồ yêu thích hàng điện tử, có khá nhiều mặt hàng với nhiều mức giá vô cùng thích hợp để bạn lựa chọn.

Buổi sáng ngày thứ hai, chúng tôi được tham quan tại một nhà máy bia ở cố đô Kyoto. Cô gái người Nhật niềm nở và thân thiện tiếp đón chúng tôi, nhiệt tình thuyết minh về từng công đoạn làm bia. Cô khiến chúng tôi cảm thấy thêm phần dễ mến con người Nhật Bản. Con người nơi đây, dù làm ở bất cứ ngành nghề gì, đảm nhiệm bất cứ công việc gì, họ đều say mê, nhiệt thành với công việc của họ và nụ cười luôn thường trực trên môi.

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi lần đầu đến thăm Nhật Bản là ngạc nhiên và thán phục về óc thẩm mỹ của người Nhật, từ cách trang trí nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, công xưởng, cách sắp xếp đồ đạc trong gia đình hay cách bài trí bữa cơm tại các nhà hàng đều khiến cho chúng tôi có cảm giác tiếp cận một sự tinh tế, một óc thẩm mỹ cao. Óc thẩm mỹ của người Nhật không chỉ biểu hiện qua các hiện tượng bên ngoài mà còn qua lối suy nghĩ và cung cách làm việc của họ hàng ngày, hay nói rộng ra là nhân sinh quan của họ. Đối với người dân Nhật Bản ngoài mục đích lợi nhuận thì họ còn muốn đạt được một mục tiêu khác không kém phần quan trọng - đó là cảm giác thoải mái khi hoàn thành mỹ mãn một công việc dù là rất nhỏ. Họ luôn tìm kiếm cái đẹp trong công việc của mình. Khi tiếp xúc với người Nhật, chúng tôi cảm nhận rõ họ là những người làm việc cần mẫn, xem công việc của công ty như là công việc của mình, luôn tận tâm tận sức, nhiều khi họ làm việc không phải vì lợi ích cá nhân của mình, họ xem công việc của họ không những là "hoạt động kinh tế" mà còn là "hoạt động thẩm mỹ".

Trong chuyến đi, chúng tôi cũng được trải nghiệm thú vị với chuyến tàu cao tốc. Có thể nói tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản là một trong những hình ảnh tiêu biểu về xã hội công nghiệp hiện đại. Trên tàu không gian sạch sẽ, thoáng và sang trọng. Tàu Shinkansen cũng chạy trên loại đường ray kiểu thông thường nhưng được gia cố đặc biệt và bảo trì nghiêm ngặt. Tất cả các tàu đều được giám sát và kiểm soát bằng các hệ thống vi tính kiểm soát giao thông ở Tokyo. Nguồn điện cung cấp cho tàu cũng luôn được kiểm soát chặt chẽ. Các toa tàu đều được thiết kế theo hình dáng khí động học, cửa sổ không thể mở ra nhưng bên trong được thông gió và có gắn hệ thống điều hòa không khí. Tàu cao tốc của Nhật Bản nổi tiếng là hoạt động an toàn, nhanh chóng, vận chuyển nhiều hành khách và hết sức đúng giờ. Thành công của tàu cao tốc là đã cách mạng hóa tư duy. Nó không chỉ được coi là "vị cứu tinh của ngành đường sắt Nhật Bản" mà còn là động lực thúc đẩy nhiều nước khác xây dựng mới hoặc hiện đại hóa hệ thống đường sắt của họ. Khi chúng tôi ngồi trong khoang tàu cảm giác như đang ngồi ở hạng ghế thương gia trên một chuyến bay.

Trường Đại học Hải Dương chụp ảnh lưu niệm với Đại học Kanda

Buổi sáng ngày thứ ba, chúng tôi được trải nghiệm nhiều cảm giác và cảm xúc trên hành trình đi thăm đỉnh Phú Sĩ. Nhiều người biết đến Nhật Bản bởi loài hoa anh đào nổi tiếng thế giới. Cũng có người biết đến đất nước này bởi cái tên "Đất nước mặt trời mọc". Nhưng hiếm ai không biết tới núi Phú Sĩ như một biểu tượng thiêng liêng mang linh hồn và văn hóa của dân tộc này. Cách Tokyo không đầy 100km về phía Tây Nam, hiển hiện rõ mồn một trong không gian và thời gian là đỉnh Phú Sĩ. Phú Sĩ là ngọn núi lửa cao nhất Nhật Bản (3776m) với hình chóp nón trông rất hùng vĩ. Người ta nói rằng, tên của ngọn núi này bắt nguồn từ động từ thổi bật ra" (fuchi) trong ngôn ngữ của người Ainu. Núi Phú Sĩ đã phun trào ít nhất 10 lần kể từ thế kỷ 18. Cho đến nay gần 300 năm đã trôi qua kể từ lần phun trào gần nhất của nó vào năm 1707. Tro bụi, dung nham tung lên hàng trăm km, che phủ cả Tokyo, đồng thời tạo cho ngọn núi này cái đỉnh chóp quyến rũ tuyệt vời như ngày nay. Diện tích của núi vào khoảng 90.76km2. Với người dân Nhật núi Phú Sĩ trở thành "ngọn núi thiêng", "ngọn núi thần" che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn. Được trải nghiệm du thuyền trên hồ Ashi giữa thiên nhiên hùng vĩ và chinh phục núi Phú Sĩ – biểu tượng cho niềm tự hào Nhật Bản, chúng tôi dường như đã hiểu thêm nhiều về đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Trong chuyến đi lần này chúng tôi cũng được đến thăm Đại học Daito Bunka. Daito Bunka tập trung chủ yếu vào văn hoá nghệ thuật và nhân văn và cũng được biết đến như một trong các trường học thư pháp hàng đầu trong cả nước. Khi sinh viên tốt nghiệp, họ thành thạo về văn hóa và phong cách tác nghiệp của từng nước trong khu vực. Đến thăm ngôi trường này, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều về cách thức bố trí không gian học tập, môi trường nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Một ngôi trường khác chào đón chúng tôi là Trường Đại học Kanda. Chúng tôi được các giảng viên trong trường dẫn đi tham quan khu thực hành thiết bị máy móc hiện đại của Nhà trường. Một khu thực hành hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ. Đến với Trường Đại học Kanda, chúng tôi còn tiếp thu và học hỏi về cách thức bài trí hệ thống thư viện, phòng học. Tại Trường Đại học Hải Dương chúng tôi cũng đã trang bị được phòng thực hành máy tính với mạng internet phục vụ miễn phí giúp cho sinh viên dễ dàng tra cứu tài liệu và thực hành thực tập nghề nghiệp.

Nói về giáo dục ở Nhật Bản, tất cả chúng tôi đều có chung một cảm nhận, đó là một sự thán phục gần như tuyệt đối. Trong suốt hành trình mà chúng tôi đi, chúng tôi luôn luôn gặp những đoàn học sinh Nhật Bản từ độ tuổi tiểu học đến trung học cơ sở trong những chuyến đi thực tế, dã ngoại. Chúng tôi nhận ra rằng sở dĩ nước Nhật được cả thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ chỉ trong một thời gian ngắn, sự khâm phục đó phải xuất phát từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người. Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức chứ không chỉ có những môn tương tự như môn Giáo dục công dân. Học sinh từ khi học mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp... Chương trình giáo dục của Nhật xác định đúng mục đích là rèn luyện cho học sinh, sinh viên chứ không phải để lấy điểm lên lớp. Người Nhật cũng không tham lam ôm đồm nhiều kiến thức mà chỉ chọn ra những điều cơ bản thiết thực nhất để dạy cho học sinh, sinh viên, để họ có được căn bản vững chắc mà phát triển chứ không dạy cho họ những điều to lớn viển vông. Học hỏi từ cách thức giảng dạy đó, Trường Đại học Hải Dương chúng tôi xác định rõ quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học phải gắn bó chặt chẽ và tiến hành đồng bộ với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo theo lộ trình thích hợp và những bước đi vững chắc. Với mỗi bậc học, chúng tôi xác định nội dung, phương thức đổi mới phù hợp với mục tiêu chung là hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện làm chủ thể sáng tạo và động lực to lớn cho phát triển nhanh, bền vững.

Trong suốt một tuần tham quan học tập tại Nhật Bản, chúng tôi đã được trải nghiệm rất nhiều những cảm nhận. Quả thực Nhật Bản xứng đáng là một đảo quốc với thiên nhiên tuyệt đẹp được đánh giá là một trong mười nước đẹp nhất thế giới. Đất nước Nhật Bản mùa chúng tôi đến ngập tràn nắng vàng ươm, màu vàng đặc quánh như màu mật ong, bao quanh các con đường là những hàng cây đã chuyển màu vàng, màu đỏ. Một không gian đẹp như một bức tranh thủy mặc. Con người nơi này thân thiện và cởi mở, nhiệt thành. Họ luôn tìm tòi và học hỏi làm sao tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho mình. Chính tinh thần hiếu kỳ, óc cầu tiến của người Nhật là động lực thúc đẩy họ trở thành một nước tiên tiến đứng top đầu thế giới. Họ cho chúng tôi nhận thấy ở họ những phẩm chất vô cùng quý giá. Rõ rệt nhất ở họ là ý thức tập thể cao, trong công việc họ thường gạt cái tôi cá nhân ích kỉ, đề cao cái chung, họ có thể cạnh tranh với nhau, song cũng có lúc họ bắt tay với nhau để đạt được mục đích chung nhằm đánh bại đối thủ nước ngoài. Chúng tôi nhận thấy rằng, xã hội Nhật Bản là một xã hội có sự cạnh tranh quyết liệt nhưng không tạo sự cạnh tranh giữa các cá nhân mà các cá nhân phải làm việc quên mình cho sự cạnh tranh của nhóm. Người Nhật luôn làm theo mục tiêu đã định, tôn trọng thứ bậc trong xã hội, cần cù và có tính trách nhiệm cao, yêu thiên nhiên và có khiếu thẩm mỹ, tinh tế, khiêm nhường và luôn luôn giữ chữ tín. Mặc dù rất nhạy cảm đối với văn hoá nước ngoài, song người Nhật rất ý thức về tài sản văn hoá của họ. Tư liệu lịch sử văn hoá, đền đài, chùa chiền... đại bộ phận vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Hơn thế, các ngành nghề truyền thống không những không bị mai một đi mà còn được cải tiến kỹ thuật và càng trở nên tinh tế hơn. Đất nước Nhật Bản thực sự là một đất nước đầy tiềm năng để tất cả chúng ta hướng tới.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi đã tự trả lời được câu hỏi: Nhật Bản nổi tiếng do đâu? Cảnh sắc, vạn vật hữu tình dễ làm đắm say lòng người do được thiên nhiên ưu đãi, hay bởi những con người và sức mạnh trí tuệ, khoa học công nghệ nơi đây? Điều gì khiến Nhật Bản luôn bận rộn? Rời khỏi đất nước Nhật Bản, chúng tôi vẫn lưu giữ lại những hình ảnh đẹp nhất về xứ sở này... Đến với Nhật Bản, đến với những ngôi nhà chọc trời của thành phố Tokyo, với những ngôi chùa kỳ vĩ, những khu vườn... thật sự mang đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Dù các thành phố của Nhật Bản rất phát triển nhưng họ vẫn giữ trọn vẹn các công trình văn hóa từ bao thế kỉ qua. Mỗi nơi chúng tôi đến đều đem tới cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Cảm ơn đất nước và con người Nhật Bản đã dạy cho chúng tôi những bài học lớn. Chúng tôi đã từng biết đến Nhật Bản bởi mỹ danh là "xứ sở hoa anh đào", vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa "thoắt nở thoắt tàn" được người Nhật yêu thích phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc này; Chúng tôi cũng đã từng biết đến Nhật Bản là "đất nước hoa cúc" vì bông hoa cúc 16 cánh giống như Mặt Trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản hiện nay; Chúng tôi cũng đã từng biết đến Nhật Bản là "đất nước Mặt Trời mọc" vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông, tổ tiên của họ là nữ thần Mặt Trời Amaterasu (Thái dương thần nữ). Nhưng trong chuyến đi này, chúng tôi được chiêm ngưỡng những điều thật tuyệt vời từ dáng hình đến phong cách của từng con người với tinh thần, phong thái Nhật Bản./.

Đặng Thị Lan Anh – Chủ nhiệm Khoa Quản trị Văn phòng