Cao Thị Thu Hằng
Trường Đại học Hải Dương
Email: hang85@gmail.com
Tóm tắt: Bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên các trường đại học hiện nay là nội dung, biện pháp quan trọng của việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bài viết làm rõ vai trò của bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống, thực trạng bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống, từ đó, đề xuất các biện pháp bồi dưỡng năng lực xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên các trường đại học trong thời gian tới.
Từ khoá: Bồi dưỡng; kỹ năng; xử trí tình huống; sinh viên; trường Đại học.
1. Mở đầu
Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, giao lưu, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng; một bộ phận sinh viên (SV) các trường đại học (TĐH) được gia đình bao bọc ít tiếp xúc với bên ngoài xã hội, khi gặp những tình huống khó, chưa gặp bao giờ tỏ ra lúng túng, bỡ ngỡ, không biết xử lý thế nào cho phù hợp, hiệu quả, bảo đảm an toàn về người và phương tiện. Do đó, bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho SV các TĐH có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo đảm cho sinh viên hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đã xác định, vừa có kiến thức để biến linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các tình huống trong thực tiễn, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vai trò bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên các trường Đại học
Theo từ điển tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên: “Kĩ năng là năng lực vận dụng có kết quả tri thức về phương thức hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng” [1, tr.132]
Từ quan niệm trên có thể hiểu, kỹ năng là khả năng giải quyết có hiệu quả những tình huống, sự việc xảy ra trong công việc, cuộc sống trên cơ sở tri thức, vốn sống và sự hiểu biết, đạt được mục đích yêu cầu như mong muốn. Bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên các trường đại học là hoạt động tích cực, chủ động của chủ thể quản lý, giáo dục, bồi dưỡng sinh viên với nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng nhằm giải quyết tốt nhất những yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường, gia đình và xã hội. Thông qua bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống giúp cho sinh viên ngày càng tiến bộ, trưởng thành, không bỡ ngỡ, lúng túng khi gặp phải những tình huống xảy ra trong thực tiễn cuộc sống; bồi dưỡng kỹ năng này giúp cho sinh viên hoàn tất mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, biết cách bảo vệ bản thân trước những tác động tiêu cực của tệ nạn xã hội; xây dựng bản lĩnh vững vàng, không dao động, ngả nghiêng trước khó khăn, thử thách; đồng thời trang bị tri thức bổ ích cho sinh viên trong quá trình giáo dục, đào tạo ở nhà trường, hoàn thành chương trình giáo dục, sau tốt nghiệp ra trường trên cương vị mới thích ứng tốt với môi trường sống. Theo đó bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên cần tập trung vào: Bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng các mối quan hệ ứng xử tập thể và xã hội,…
Thời gian qua các chủ thể quản lý giáo dục bồi dưỡng sinh viên đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của bồi dưỡng kỹ năng xử trí tình huống cho SV; đã có nhiều đổi mới với về nội dung, phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tiễn của SV; giảng viên tích cực, chủ động phương pháp dạy học tích cực, nêu vấn đề, sử dụng trình chiếu, lấy ví dụ trong trong thực tiễn; thời gian học lý thuyết được giảm tải, tăng thời gian học thực hành, vận dụng vào thực tiễn đời sống xã hội; trong quá trình giảng dạy giảng viên có sự tương tác, trao đổi, đưa ra các tình huống, sự việc diễn ra trong thực tế và gọi SV phát biểu, trả lời, đưa ra cách xử trí; đa phần SV có kỹ năng xử trí tình huống ngoài thời gian học tập trên lớp, rất nhiều SV tham gia vào các hoạt động xã hội, chiến dịch hè tình nguyện, tiếp xúc mùa thi, tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, đi làm thêm, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…Qua những hoạt động thực tiễn, cụ thể thiết thực như vậy không chỉ bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, mà còn giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống cho SV, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo đúng quan điểm đường lối của Đảng. Đảng ta đã khẳng định: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên” [2, tr.143]. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho SV còn một số hạn chế: Một số giảng viên chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “dạy chữ” và “dạy người”, chưa chú trọng đến cập nhật thông tin mới đưa vào nội dung bài giảng, những ví dụ, hình ảnh còn ít, chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn, cuốn hút người học; một số SV chưa tích cực, chủ động học tập, rèn luyện đặt mình vào tổ chức, đặt ra yêu cầu cao cho bản thân để tích lũy kiến thức, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
2.2. Một số biện pháp bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên các trường Đại học trong thời gian tới
Một là, nâng cao nhận thuốc trách nhiệm của các chủ thể là công tác bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên
Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm các của các chủ thể làm công tác bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên. Muốn xử trí các tình huống trong thực tiễn cho SV, thì chủ đề giáo dục, bồi dưỡng và ngay cả bản thân sinh viên cũng phải nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, có như vậy, mới cho phép các chủ thể đó cùng nhau phối hợp phối kết hợp với nhau để định ra chương trình, kế hoạch, nội dung, con đường, biện pháp bồi dưỡng. Nếu không nhận thức được điều đó, cho rằng, việc bồi dưỡng không cần thiết, tự bản thân SV bồi dưỡng cho mình, không cần đến tổ chức, hoặc nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng là của chủ thể giáo dục, bồi dưỡng. Như thế, sẽ không giúp cho SV tiến bộ, trưởng thành, mà còn triệt tiêu động lực phấn đấu của họ, không tạo ra sự hứng khởi, hưng phấn trong quá trình học tập, rèn luyện. Vì vậy, các chủ thể quản lý, giáo dục, bồi dưỡng cần thường xuyên quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của SV, xây dựng động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, bền bỉ cho SV; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở sinh viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, dù ở cương vị, chức trách nào đều phải nỗ lực cố gắng hết mình, không vì những ảnh hưởng tiêu cực ở bên ngoài nảy sinh tư tưởng bi quan, tiêu cực, bỏ bê công việc, không có hứng thú trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; tuyệt đối chấp hành những pháp luật Nhà nước, quy định nhà trường. Nhận thức càng cao thì trách nhiệm càng lớn, càng phải băn khoăn, trăn trở, lo lắng, đưa ra những nội dung, biện pháp bồi dưỡng hợp lý bảo đảm cho SV có thể lĩnh hội được mà không cảm thấy nhàm chán. Sự nhận thức, trách nhiệm đó cần được chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể, thiết thực bằng việc làm thực tế chứ không phải bằng lời nói suông, hô hào khẩu hiệu, nói là thường xuyên quan tâm bồi SV về kỹ năng phương pháp giải quyết thực tiễn nhưng hành động thì không phải thế, có biểu hiện đừng để cho nhau. Vì thế các chủ thể quản lý, giáo dục cần nghiêm túc thực hiện các kế hoạch đã xác định, nhận thức rõ sinh viên có giải quyết tốt những tình huống nảy sinh trong thực tiễn là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hai là, vận dụng linh hoạt sáng tạo các nội dung, hình thức phương pháp bồi dưỡng kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn cho sinh viên
Thời gian học tập ở nhà trường là điều kiện rất tốt để mỗi sinh viên từng bước được trải nghiệm, học hỏi những kinh nghiệm của người đi trước, đồng chí, đồng đội xung quanh để tăng thêm sự hiểu biết cho bản thân. Các chủ thể quản lý, giáo dục cần thấy được sự không vận động, biến đổi, phát triển của thực tiễn xã hội, do đó quá trình bồi dưỡng cũng cần thích ứng nhanh chóng với thời cuộc để tránh bị lạc hậu. Ở những môi trường, điều kiện, tính chất, nhiệm vụ khác nhau thì nội dung cũng có sự khác nhau, không thể áp đặt, hoặc bên nguyên xi chương trình và quá trình bồi dưỡng.
Xác định rõ nội dung bồi dưỡng cho từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, chung chung, xem hiện nay ở SV cáo yếu nhất, cần nhất đối với SV là gì, từ đó tập trung lực lượng vào đó để bồi dưỡng. Vấn đề hiện nay ở SV là thiếu kĩ năng, kinh nghiệm xử trí các tình huống, nhất là tình huống phức tạp, khó khăn, dễ dao động, đánh mất niềm tin, nản lòng, nhụt ý khi thất bại; một số SV còn bị chi phối bởi hoàn cảnh gia đình, trong công việc còn thiếu tính chủ động, bị cuốn vào đam mê của thông tin trên mạng xã hội, ít nhiều không chuyên tâm vào học tập, hiệu quả không cao, giải quyết những tình huống xảy ra theo cảm tính, chủ quan, thiếu suy nghĩ. Đây là những vấn đề rất cụ thể, thiết thực, gần gũi hàng ngày, hàng giờ với SV các TĐH hiện nay. Các chủ thể quản lý, giáo dục, bồi dưỡng cần nhận thấy rõ điều đó, có những cơ chế, chính sách tác động phù hợp, hiệu quả, sáng tạo giúp cho SV giảm bớt những ưu phiền, gánh nặng, áp lực trong học tập, cuộc sống, không đi chi phối, lệ thuộc vào nó. Sát cánh cùng SV, cùng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn trong mọi hoạt động để sinh viên cảm thấy không bị cô đơn, lạc lõng, mà vẫn còn những người thân yêu xung quanh sẵn sàng đồng cam, cộng khổ với họ. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, khích lệ bằng vật chất tinh thần đối với SV có năng lực chuyên môn công tác, có hoàn cảnh gia đình cần được sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người trong tập thể; lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của SV, giải quyết có hiệu quả trong phạm vi, chức trách, quyền hạn đối với những ý kiến phản ánh đúng, sát đáng ,có lợi cho tập thể.
Tính linh hoạt, sáng tạo của nội dung bồi dưỡng kỹ năng là sự phản ánh trình độ nhận thức của các chủ thể quản lý, bồi dưỡng và đối tượng quản lý, bồi dưỡng trong sử dụng các hình thức, phương pháp bồi dưỡng và khả năng tiếp nhận đem lại kết quả cao trong hoạt động thực thi thực tiễn ở nhà trường. Khi thực tiễn có sự thay đổi thì nội dung, phương pháp cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp, không thể dùng mãi một nội dung, mãi một phương pháp như vậy sẽ không đem lại kết quả cao, gây nhàm trong quá trình thực hiện. Tính linh hoạt, sáng tạo cũng không đồng nghĩa với việc cái gì cũng thay đổi, cái gì cũng làm mới mà có nội dung không thể thay đổi được, chỉ bổ sung phát triển thêm cho phù hợp với sự vận động, phát triển của xã hội, của tình hình nhiệm vụ đặt ra. Linh hoạt, sáng tạo có kế thừa, phát triển và mang tính ổn định, bền vững, chứ không phải linh hoạt, sáng tạo để nội bộ mất đoàn kết, tập thể không ổn định. Trong tính linh hoạt, sáng tạo của các nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng luôn có sự đan xen, thâm nhập vào nhau, bổ sung, thực hiện tốt nội dung này là cơ sở thực hiện các nội dung tiếp theo, ứng với đó là các hình thức cũng phù hợp với nội dung, được sSV tiếp nhận với tinh thần hào hứng, phấn khởi và với một quyết tâm, khí thế cao.
Ba là, nâng cao hoạt động bồi dưỡng rèn luyện kỹ năng xử trí các tình huống trong thực tiễn của sinh viên
Thực tiễn cuộc sống có rất nhiều vấn đề nảy sinh, không thuận buồm, xuôi gió, bằng phẳng, trải thảm như con người vẫn hằng mong muốn. Đôi khi đó là sự thật phũ phàng bộ môi chúng ta phải chấp nhận và tìm cách vượt qua nó với tinh thần thái độ lạc quan, yêu đời, hướng thiện, tin tưởng và năng lực của bản thân. Đối với SV hàng ngày, hàng giờ bị tác động, chi phối bởi các mối quan hệ xã hội, do đó, rất cần đến những hoạt động thực tiễn để giải quyết có hiệu quả những tình huống, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Để đạt được mục đích đó, ngoài những yếu tố bên ngoài, thì cần phát huy cao độ tính tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng rèn luyện của bản thân để không “gục ngã: trước bão giông của thời cuộc, các sản phẩm văn hóa độc hại và những mặt trái của cơ chế thị trường đem lại. Sinh viên, luôn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, hừng hực tinh thần, khí thế làm việc hăng say, hứng khởi nhưng cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tự tin vào bản thân một cách thái quá, thiếu khiêm tốn, cầu thị trong học hỏi, trao đổi với cấp trên và người cùng cấp. Việc đặt mình vào tổ chức, hòa nhập với yêu cầu, nhiệm vụ của các chủ thể quản lý giáo dục, bồi dưỡng là rất cần thiết, đặt ra cho SV cần có sự nhìn nhận đúng đắn đến từng sự vật, hiện tượng, không xa vào chủ nghĩa kinh viện, mà vẫn phát huy được kiến thức đã được học trong thời gian đào tạo ở nhà trường. Không ai khác mà chính SV cảm nhận được bản thân còn thiếu, còn yếu ở những điểm nào, từ đó. mà nâng cao hoạt động tự bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Những hoạt động tuyên truyền, giáo dục, lãnh đạo chỉ đạo chỉ là những yếu tố bên ngoài tác động vào nâng cao hoặc hạ thấp hoạt động bồi dưỡng cho SV, còn việc tiếp nhận và chuyển hóa ở mức độ nào lại phụ thuộc vào chính bản thân họ. Hoạt động tự bồi dưỡng rèn luyện này trở thành nhu cầu mong muốn, khát vọng nội tạng của chính SV. V.I.Lênin đã chỉ rõ: Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà loài người đã tạo ra. Theo đó, nội dung tự bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong cuộc sống của SV tập trung vào phương pháp, tác phong làm việc khẩn trương, khoa học, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo; giải quyết hài hòa mối quan hệ trong và ngoài đơn vị; xây dựng tập thể vững mạnh toàn diện.
3. Kết luận
Kỹ năng xử trí những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống của sinh viên là yếu tố cấu thành tạo nên năng lực công tác, giúp sinh viên có thể vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc bồi dưỡng những kỹ năng xử trí những vẫn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống sẽ là cơ sở tiền đề quan trọng để mỗi SV không ngững phát triển, trưởng thành, trở thành lực lượng kế cận tiếp theo trong lãnh đạo, quản lý chỉ huy mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Quán triệt và thực hiện tốt những giải pháp trên giúp cho các chủ thể quản lý, bồi dưỡng và SV yên tâm trong công tác, ngăn ngừa được những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xâm lấn vào nhà trường, làm cho SV ngày càng tiến bộ, trưởng thành. Tuy nhiên, thực tiễn luôn có sự vận động, phát triển, trong quá trình tổ chức thực hiện cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng đơn vị, thường nhiệm vụ để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
[1] Vũ Dũng (2008). Từ điện tâm lý học. Nxb KHXHNV, Hà Nội, tr.132
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.143
Nguồn: Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học