Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tác động sâu sắc đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở các quốc gia trên toàn thế giới. Bối cảnh đó đặt con người trước một yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao năng lực tư duy để thích nghi, sáng tạo và giải quyết các thách thức phức tạp mà thời đại đặt ra. Đối với sinh viên, những người đóng vai trò là chìa khóa của sự phát triển xã hội trong tương lai, tư duy biện chứng không chỉ là công cụ lý luận mạnh mẽ để nhận thức thế giới mà còn là kỹ năng cần thiết giúp sinh viên giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Việc rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng ở sinh viên vừa góp phần nâng cao năng lực trí tuệ, vừa là bước chuẩn bị quan trọng để xây dựng đội ngũ lao động trẻ có năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước.
Bài viết này tập trung phân tích vai trò của kỹ năng tư duy biện chứng đối với sinh viên, những khó khăn trong quá trình rèn luyện và đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng này trong môi trường giáo dục đại học.
1. Khái niệm tư duy biện chứng
Tư duy biện chứng là hình thức tư duy khoa học, phản ánh sự vận động và mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Tư duy biện chứng không chỉ nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong trạng thái tĩnh tại, cô lập, mà còn xem xét chúng trong các mối quan hệ đa chiều, trong quá trình vận động, phát triển qua những mâu thuẫn nội tại và sự chuyển hóa về chất. Theo quan điểm của triết học Mác – Lênin, tư duy biện chứng dựa trên các nguyên lý cơ bản như nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển. Những nguyên lý này nhấn mạnh rằng mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều tồn tại trong một hệ thống liên kết chặt chẽ với các yếu tố khác, đồng thời luôn vận động, biến đổi và phát triển từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.
Tư duy biện chứng có một số đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất: Tính toàn diện
Tư duy biện chứng yêu cầu chủ thể xem xét sự vật, hiện tượng trong tổng thể các mối quan hệ của chúng với các yếu tố khác, tránh cái nhìn phiến diện, một chiều. Ví dụ, khi đánh giá một chính sách kinh tế, tư duy biện chứng không chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn mà còn phải phân tích tác động dài hạn, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và đời sống con người.
Thứ hai: Tính phát triển
Tư duy biện chứng nhận thức thế giới trong sự vận động, phát triển không ngừng. Sự phát triển này diễn ra thông qua những biến đổi về lượng thành sự chuyển hóa về chất, kết quả là cái mới ra đời thay thế cái cũ. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ, tư duy biện chứng giúp con người hiểu rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ là sự cải tiến dần dần mà còn tạo ra những bước nhảy vọt làm thay đổi toàn bộ cách thức con người sản xuất và sống.
Thứ ba: Tính mâu thuẫn
Trong tư duy biện chứng. mâu thuẫn được xem là nguồn gốc, động lực của sự phát triển. Mỗi sự vật, hiện tượng đều chứa đựng những mâu thuẫn nội tại, và quá trình giải quyết mâu thuẫn là điều kiện để sự vật, hiện tượng phát triển. Ví dụ, mâu thuẫn giữa nhu cầu bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế đòi hỏi các giải pháp đổi mới sáng tạo để cân bằng hai yếu tố này.
Tóm lại, tư duy biện chứng không chỉ là một hình thức tư duy lý luận mà còn là công cụ đắc lực để con người hiểu rõ hơn về thế giới, khám phá các quy luật vận động và phát triển, từ đó chủ động xây dựng những giải pháp, chiến lược phù hợp với yêu cầu của thời đại.
2. Vai trò của tư duy biện chứng đối với sinh viên
Thứ nhất: Tư duy biện chứng giúp sinh viên phát triển khả năng nhận thức tổng thể và toàn diện
Tư duy biện chứng giúp sinh viên nhìn nhận các sự vật, hiện tượng không đơn lẻ mà trong mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố khác. Nó yêu cầu người học xem xét các sự vật, sự việc, hiện tượng hay vấn đề một cách tổng thể, từ nhiều góc độ và bối cảnh khác nhau. Nếu có tư duy biện chứng, sinh viên sẽ tránh được cái nhìn phiến diện, một chiều, đồng thời hình thành khả năng đánh giá một cách tổng hợp và toàn diện. Nhờ vậy, sinh viên có thể phân tích các vấn đề phức tạp trong học tập cũng như thực tiễn một cách logic và chính xác hơn.
Thứ hai: Tư duy biện chứng thúc đẩy sinh viên tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo
Tư duy biện chứng tập trung vào sự vận động, biến đổi và phát triển của các sự vật, hiện tượng. Điều này khuyến khích sinh viên nhận thức rằng không có vấn đề nào cố định và luôn có các mâu thuẫn tiềm ẩn cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển. Nếu rèn được kỹ năng tư duy này, sinh viên sẽ phát triển khả năng thích nghi linh hoạt với những thay đổi trong học tập, công việc, cũng như đời sống, đồng thời, biết cách tìm ra các giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ví dụ, khi đối mặt với những khó khăn trong việc hoàn thành một dự án nhóm mà các thành viên có ý kiến trái chiều, sinh viên có thể vận dụng tư duy biện chứng để nhận ra rằng các ý kiến này phản ánh các góc nhìn khác nhau của vấn đề. Thay vì cố gắng áp đặt một ý kiến, họ có thể kết hợp các điểm mạnh từ mỗi quan điểm để tạo ra một giải pháp tổng hợp, vừa đảm bảo tính khả thi vừa đáp ứng yêu cầu chung. Tương tự, trong học tập, khi gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa việc học lý thuyết và áp dụng thực hành, sinh viên có thể áp dụng tư duy biện chứng để nhận ra mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa hai yếu tố này. Bằng cách điều chỉnh thời gian sao cho hợp lý, họ vừa nắm vững kiến thức nền tảng, vừa có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực tiễn, đảm bảo kết quả học tập hiệu quả hơn. Chính khả năng nhìn nhận vấn đề trong sự vận động và mâu thuẫn nội tại giúp sinh viên linh hoạt thích nghi với những thay đổi và tự tin đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả.
3. Những khó khăn trong việc rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng ở sinh viên
Tư duy biện chứng không chỉ là công cụ quan trọng để phân tích, đánh giá các vấn đề khoa học, mà còn là nền tảng để sinh viên hình thành phương pháp luận đúng đắn trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, việc rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng ở sinh viên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn đáng kể. Những khó khăn này không chỉ xuất phát từ chính bản thân sinh viên mà còn từ các yếu tố liên quan đến môi trường giáo dục và phương pháp giảng dạy. Có thể kể đến một số khó khăn cơ bản như sau:
Thứ nhất: Thiếu nhận thức về tầm quan trọng của tư duy biện chứng
Một số sinh viên chưa hiểu rõ rằng tư duy biện chứng không chỉ là một kỹ năng học thuật mà còn là công cụ quan trọng để phân tích, giải quyết các vấn đề phức tạp trong thực tế. Họ thường tiếp cận tri thức một cách thụ động, chỉ học thuộc lòng lý thuyết mà không tìm cách liên hệ với các vấn đề của đời sống. Điều này dẫn đến việc học trở nên thiếu chiều sâu và không mang lại hiệu quả trong việc áp dụng vào thực tế. Thứ hai: Ảnh hưởng của phương pháp giảng dạy truyền thống
Ở một số trường, phương pháp giảng dạy của thầy, cô vẫn còn tập trung vào việc truyền đạt kiến thức hàn lâm, ít khuyến khích sinh viên phản biện hoặc liên hệ với đời sống thực tế. Chẳng hạn, trong giờ học triết học, thay vì tổ chức thảo luận nhóm về các vấn đề xã hội, giảng viên có thể chỉ giảng bài và yêu cầu sinh viên ghi chép, khiến họ khó nắm bắt tư duy biện chứng qua tình huống thực tế. Sinh viên không được rèn luyện khả năng phân tích và phản biện, dẫn đến tư duy trở nên máy móc, thiếu sáng tạo. Khi đối mặt với các vấn đề phức tạp trong thực tế, họ dễ gặp khó khăn trong việc đánh giá toàn diện các khía cạnh và đưa ra giải pháp hiệu quả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập mà còn hạn chế khả năng thích nghi và đóng góp của sinh viên trong môi trường làm việc sau này.
Thứ ba: Thiếu môi trường thực hành và trải nghiệm
Tư duy biện chứng cần được rèn luyện thông qua thực hành, nhưng môi trường học tập hiện nay lại thiếu các hoạt động trải nghiệm để sinh viên ứng dụng lý thuyết. Ví dụ, các hoạt động phân tích tình huống thực tế như nghiên cứu một vấn đề kinh tế - xã hội cụ thể thường ít được tổ chức, làm giảm cơ hội để sinh viên thực hành kỹ năng này. Có thể thấy, việc rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng ở sinh viên hiện nay đang đối mặt với nhiều trở ngại, từ nhận thức chưa đầy đủ, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp đến môi trường học tập và thực hành còn hạn chế. Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tư duy của sinh viên mà còn làm giảm hiệu quả của quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển kỹ năng tư duy biện chứng, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp thiết thực là điều cần thiết và cấp bách.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng cho sinh viên
Để nâng cao hiệu quả rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng cho sinh viên, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
Một là: Nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò của tư duy biện chứng trong cuộc sống, học tập và nghề nghiệp
Để nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò quan trọng của tư duy biện chứng, cần đẩy mạnh việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên đề về tư duy biện chứng với sự tham gia của chuyên gia sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn giá trị của kỹ năng này trong học tập và nghề nghiệp. Việc tuyên truyền qua các kênh truyền thông nội bộ như website, bảng tin hay mạng xã hội của trường cũng cần được chú trọng. Quan trọng hơn, khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động thực hành phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn sẽ giúp họ dần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của tư duy biện chứng trong mọi lĩnh vực.
Hai là: Đổi mới phương pháp giảng dạy triết học
Đổi mới phương pháp giảng dạy triết học là một bước đi quan trọng nhằm rèn luyện và phát triển kỹ năng tư duy biện chứng cho sinh viên. Trọng tâm của giải pháp này là thay đổi cách tiếp cận truyền thống, từ việc giảng dạy một chiều sang các phương pháp tích cực, lấy người học làm trung tâm. Ví dụ, khi dạy về cặp phạm trù cái chung – cái riêng, giảng viên có thể nêu vấn đề thảo luận “Tại sao chúng ta vừa phải hoà nhập, vừa phải tạo ra dấu ấn cá nhân?”, hay khi dạy về “phủ định biện chứng”, giảng viên có thể đặt câu hỏi: “Sự phát triển của công nghệ có phải là sự phủ định hoàn toàn các phương pháp sản xuất truyền thống hay không?”. Với cách dạy này, sinh viên sẽ được khuyến khích đưa ra ý kiến, phân tích mâu thuẫn, và phản biện lẫn nhau, qua đó học cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, như thảo luận nhóm, tranh luận và phản biện, sẽ giúp sinh viên hiểu sâu hơn và thực hành tư duy biện chứng.
Ba là: Tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế là một phương pháp hiệu quả để rèn luyện tư duy biện chứng, giúp sinh viên gắn những vấn đề lý thuyết với các vấn đề thực tiễn. Thông qua các hoạt động như tọa đàm, hội thảo, và học tập thực tế, sinh viên không chỉ được làm quen với các khía cạnh khác nhau của cuộc sống mà còn có cơ hội thực hành phân tích, đánh giá và giải quyết các mâu thuẫn và mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống. Ví dụ, với nội dung nguyên lý về mối liên hệ phổ biến, giảng viên có thể tổ chức cho sinh viên khảo sát tại khu vực nào phù hợp để sinh viên có thể nhận ra mối quan hệ giữa quá trình đô thị hoá với vấn đề môi trường, việc làm, chất lượng cuộc sống… Hay khi dạy về quy luật mâu thuẫn, giảng viên có thể tổ chức cho sinh viên tham gia vào các dự án khảo sát đời sống cộng đồng để nghiên cứu các mâu thuẫn xã hội như chênh lệch giàu nghèo hoặc sự thay đổi lối sống do đô thị hóa. Các hoạt động này đòi hỏi sinh viên phải nhận diện được các mối quan hệ phức tạp, phân tích chúng dưới nhiều góc độ, từ đó rèn luyện khả năng tư duy logic và biện chứng. Thông qua các vấn đề thực tiễn, sinh viên không chỉ phát triển kỹ năng tư duy mà còn ý thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc đóng góp giải pháp cho các vấn đề xã hội.
Kết luận: Như vậy, tư duy biện chứng không chỉ là một công cụ nhận thức khoa học mà còn mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ và tri thức không ngừng thay đổi, tư duy biện chứng càng trở thành kỹ năng quan trọng, giúp con người không chỉ tiếp thu mà còn sáng tạo và đổi mới trên nền tảng các mối quan hệ đa chiều của thực tiễn. Việc rèn luyện kỹ năng tư duy biện chứng không chỉ giúp sinh viên hoàn thiện năng lực tư duy mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giảng viên và bản thân sinh viên. Đây chính là hành trang tri thức quý giá để sinh viên bước vào cuộc sống, trở thành những công dân có tư duy sâu sắc, sáng tạo và trách nhiệm đối với xã hội.
Tác giả : Luyện Thị Minh Thư
Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học