Giáo dục “Tinh thần dân tộc - khát vọng Việt Nam” cho thế hệ trẻ, sinh viên Việt Nam hiện nay

Tinh thần dân tộc - khát vọng Việt Nam từ ngàn đời nay là nhân tố quan trọng, nền tảng cấu thành sức mạnh chính trị, tinh thần trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, là động lực chủ yếu đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của quốc gia dân tộc, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Bồi đắp, giáo dục tinh thần dân tộc - khát vọng Việt Nam cho thế hệ trẻ nói chung, cho sinh viên Việt Nam nói riêng có vai trò quan trọng, là cơ sở hình thành phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống mới cho thế hệ trẻ, đồng thời là điều kiện để họ đấu tranh ngăn chặn ảnh hưởng các hệ tư tưởng lạc hậu, phản động, những hành động xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, trở thành vũ khí, thành nền tảng để thế hệ trẻ tiếp tục vững vàng bảo vệ thành quả của cách mạng Việt Nam và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhìn lại những trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của cha anh, thế hệ trẻ càng thêm tự hào về những thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tạo nên khí thế mới giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong quá trình giữ nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc ta phải hai lần tiến hành kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và xây dựng đất nước trong thời đại mới. Kết quả của hai cuộc kháng chiến đó tuy khác nhau nhưng đều để lại bài học lịch sử về phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh của toàn dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Cuộc kháng chiến thứ nhất, giai đoạn 1945-1954 Đảng Lãnh đạo xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau cách mạng tháng Tám Việt Nam đứng trước rất nhiều thuận lợi và khó khăn. Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã khắc phục những khó khăn, phát huy những thuận lợi để củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của lòng yêu nước để đánh đuổi thực dân Pháp giành lại hoà bình cho miền Bắc vào năm 1954.

Ngày 12-12-1946, Trung ương ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Ngày 18-12-1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình, kịp thời đề ra chủ trương đối phó và quyết định phát động toàn dân, toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết kháng chiến đến cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Mục tiêu của cuộc kháng chiến lúc này là đánh đổ thực dân Pháp xâm lược, giành nền độc lập, tự do, thống nhất hoàn toàn; vì nền tự do dân chủ và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới... với phương châm Kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện, kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính.

Với tinh thần kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, cuộc kháng chiến đã đi đến thắng lợi cuối cùng. Pháp thất bại trong kế hoạch Nava, Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơ ne vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Đây là văn bản pháp lý đánh dấu kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam và mở đường cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho nhân dân ba nước Đông Dương sau này.

Cuộc kháng chiến thứ hai diễn ra trong giai đoạn 1954 -1975: Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ở giai đoạn này (1954-1960), miền Bắc tập trung khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Từ năm 1954, lợi dụng sự thất bại và khó khăn của Pháp, đế quốc Mỹ đã nhảy vào thay chân Pháp thống trị miền Nam Việt Nam. Ngày 22-7-1954, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và cán bộ chiến sĩ cả nước: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.

Theo chủ trương chuyển hướng của Đảng, hàng trăm tổ chức quần chúng công khai, trong đó có các ủy ban đấu tranh đòi hòa bình được thành lập ở miền Nam.

Đến cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi đã làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nhiều vùng nông thôn, có 1.383 xã/2.627 xã nhân dân lập chính quyền tự quản. Từ thắng lợi của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập (Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi là bước nhảy vọt có ý nghĩa lịch sử của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng chống chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, nội bộ kẻ địch ngày càng khủng hoảng trầm trọng. Được sự chi viện tích cực của miền Bắc, quân và dân miền Nam đã mở nhiều chiến dịch với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên khắp các chiến trường làm cho hệ thống “ấp chiến lược” và các đô thị bị lung lay tận gốc.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một chủ trương táo bạo và sáng tạo của Đảng, đánh thẳng vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ. Và sau đó là cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã diễn ra trong 55 ngày đêm từ ngày 10-3 đến ngày 30-4-1975. Vào 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc dinh Độc lập. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã toàn thắng, đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, cùng chung một nhiệm vụ chiến lược, đi lên chủ nghĩa xã hội; làm tăng thêm sức mạnh vật chất tinh thần, thế và lực cho cách mạng và dân tộc Việt Nam, nâng cao uy tín của Đảng và dân tộc trên trường quốc tế; nâng cao khí phách, niềm tự hào và để lại những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Hai cuộc kháng chiến thắng lợi là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đoàn kết, phấn đấu hy sinh của đồng bào và chiến sĩ cả nước, nhất là thế hệ trẻ với tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, lòng dũng cảm và khát vọng hòa bình, độc lập, tiến bộ được thể hiện bằng những hành động như: xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, lấy máu của mình viết đơn xin ra trận...

Ngày nay trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước, thế hệ trẻ càng thể hiện vai trò, trách nhiệm của lực lượng trong giữ gìn, phát huy tinh thần dân tộc, khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, hùng cường, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trải qua bao đời truyền thống dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình một tinh thần dân tộc thiêng liêng và quý báu. Tinh thần dân tộc được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm như tình yêu nước, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, ý chí tự lực, tự cường, lòng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhờ có tinh thần dân tộc bền vững đã giúp dân tộc ta luôn đoàn kết liên tục vượt qua mọi thế lực dù hùng mạnh đến mấy. Hai cuộc kháng chiến của dân tộc là minh chứng lịch sử cho tinh thần dân tộc bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam, đã tạo nên chiến thắng vô cùng vẻ vang, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và làm nên những trang sử vàng của dân tộc. 

Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước luôn được thắp sáng trong tim mỗi người, từ đó khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm để thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu mà tổ tiên đã để lại. Bằng cách này, thế hệ trẻ sẽ trân trọng hơn về độc lập, tự do và khát khao xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Ngày nay, tinh thần dân tộc quý báu, vững bên ấy giúp thế hệ trẻ tiếp nối mạch nguồn của thế hệ cha anh đi trước, thúc giục thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, đóng góp cho quê hương. Từ tinh thần dân tộc thiêng liêng vững bền được truyền từ đời này sang đời khác đã tạo nên những mạch nguồn nuôi dưỡng Khát vọng Việt Nam của bao thế hệ. Khát vọng Việt Nam được thể hiện qua mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ là khác nhau, nhưng điều cao đẹp, quý giá nhất xuyên suốt trong khát vọng Việt Nam chính là khát vọng hòa bình, độc lập và phát triển đất nước.

Có thể khẳng định, khát vọng của thế hệ trẻ hiện nay là thống nhất và gắn liền với khát vọng thiêng liêng, cao đẹp và bất tử của toàn dân tộc đã được đề cao vô cùng mãnh liệt trong lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và câu hỏi bất hủ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, “Thành công, thành công, đại thành công”. Cùng với đó, khát vọng của thế hệ trẻ được thể hiện ở khát vọng cống hiến - mang tâm sức, trí tuệ và nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ để góp sức phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh; khát vọng vươn mình làm chủ tri thức, công nghệ, khát vọng kiến tạo tương lai, vị thế của bản thân và những khát vọng đẹp đẽ khác để đi tới mục tiêu đoàn kết, đồng lòng lấy sức trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn mới hiện nay, khát vọng phát triển đất nước được xem là nguồn lực nội sinh, là năng lượng tiềm tàng tạo thành sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Tiếp nối những giá trị lịch sử to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, truyền trao những giá trị tinh thần dân tộc, thế hệ trẻ mà lực lực nòng cốt là thanh niên Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta coi là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước; đồng thời, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ngày nay, Việt Nam với mục tiêu thực hiện thắng lợi quá trình xây dựng đất nước trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành công chế độ chủ nghĩa xã hội với mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn đưa đất nước phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chặng đường lịch sử của đất nước trong những giai đoạn tiếp đang cho thấy vị thế của dân tộc ở một tầm cao mới với khát vọng cháy bỏng của dân tộc là phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đây là một khát vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam nói chung, của thế hệ trẻ nói riêng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế sau gần 40 năm đổi mới.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi thế hệ trẻ trước hết phải luôn nhận thức một cách đúng đắn tinh thần cống hiến, luôn “cháy” trong mình ngọn lửa của tinh thần dân tộc, khát vọng về một đất nước phát triển phồn thịnh, hạnh phúc. Mỗi thanh niên, sinh viên phải luôn thể hiện ý chí, tài năng, cống hiến sức trẻ, sức sáng tạo không ngừng nghỉ và bền bỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc bằng việc không ngừng nỗ lực vươn lên cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, chủ động đón nhận thời cơ mới, vượt qua khó khăn thách thức, ra sức học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thích ứng nhạy bén với cuộc cách mạng công nghệ số, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định rằng“nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Với vai trò, trọng trách và sứ mệnh của mình, chính thế hệ trẻ là nhân tố chủ chốt đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Trong mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng nước nhà, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ trẻ luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò sứ mệnh lịch sử của đất nước, là lực lượng quan trọng, ngọn cờ tiên phong trong kiến tạo những giá trị mới, thành công mới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, sánh bước với năm châu…

Tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông đi trước, lực lượng thanh niên, sinh viên Việt Nam hiện nay được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. “Chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”. Để thực hiện mục tiêu đó, cần tiếp tục khơi dậy tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển đất nước cho lực lượng thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Tuy nhiên, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước hiện nay diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đặt ra nhiều thách thức mới. Các tệ nạn xã hội, mâu thuẫn xã hội, phân hóa giàu nghèo, suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường lôi kéo, kích động, chia rẽ nhất là các đối tượng thanh thiếu niên nhằm chống phá đất nước ta; nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc đặt ra nhiều thách thức mới… Tình hình đó đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm, niềm tin trong tinh thần dân tộc làm thay đổi nội dung khát vọng của thế hệ trẻ theo hướng lệch lạc, cá nhân chủ nghĩa. Thực tiễn đó đòi hỏi sự cần thiết phải tăng cường bồi đắp, giáo dục tinh thần dân tộc và khát vọng cho thế hệ trẻ hiện nay bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: Tạo môi trường học tập, rèn luyện, sáng tạo bổ ích cho thế hệ trẻ nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho sinh viên; tiếp tục đa dạng hóa và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục tư tưởng chính trị chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vững tin vào con đường phát triển tương lai của đất nước nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý thức trách nhiệm của lực lượng trẻ đối với vận mệnh của đất nước; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí khát vọng phát triển đất nước cho thế hệ trẻ thông qua các bài giảng, môn học, chương trình đào tạo ở các cấp bậc đào tạo khác nhau, lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục khát vọng phát triển đất nước trong các chương trình giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên có hiệu quả; tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp, khơi dậy khát vọng và hiện thực hoá những khát vọng đó trong mỗi cá nhân người trẻ. Bên cạnh đó, bản thân người trẻ phải luôn nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện khát vọng bằng năng lực thực tiễn bản thân. Không ngừng ra sức học tập, làm việc, lao động rèn luyện, nêu cao tinh thần xung kích, tiên phong, sáng tạo đổi mới, gương mẫu, bản lĩnh đi đầu trong các hoạt động vừa học vừa làm.

Ngày nay, Việt Nam đang đứng trước những thay đổi rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những tiền đề căn bản, là điều kiện để bứt phá trong hành trình đổi mới. Với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, đòi hỏi chúng ta cần không ngừng nỗ lực để xác lập cho mình một vị thế vững chắc trong khu vực và trên trường quốc tế. Đây là nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra cho thế hệ trẻ thanh niên Việt Nam - chủ nhân quyết định vận mệnh tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ - hãy nối vòng tay lớn - trí tuệ lớn - tinh thần lớn để thực hiện khát vọng lớn của dân tộc, kiến tạo tương lai và xây dựng đất nước.

Việt Nam - trải qua bao lần chống giặc ngoại xâm đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc để giành độc lập, thống nhất đất nước, non sông quy về một mối, cả đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường đã trở thành tượng đài vĩ đại quy tụ tinh thần dân tộc và khát vọng Việt Nam. Thế hệ trẻ với trách nhiệm và sức mạnh nội sinh được nuôi dưỡng từ những trang sử hào hùng của dân tộc sẽ tiếp tục viết tiếp những bản hùng ca trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vận dụng tinh thần dân tộc và khẳng định khát vọng Việt Nam trên con đường đưa đất nước “bứt phá” và “cất cánh”.

Hòa trong nhịp đập của nhiệt huyết của thế hệ trẻ nói chung, tuổi trẻ trường Đại học Hải Dương nói riêng luôn được giáo dục, tôi luyện và khắc sâu trách nhiệm của bản thân - đại diện cho lớp lớp sinh viên thời đại mới không ngừng phấn đấu vì lí tưởng, tinh thần dân tộc để cống hiến, chung tay xây dựng khát vọng của quê hương đất nước. Sinh viên Trường Đại học Hải Dương luôn xung kích đi đầu trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, sẵn sàng, xung kích trên mọi phong trào tình nguyện, học tập và nghiên cứu khoa học, tham gia tất cả những chương trình vì cộng đồng có ý nghĩa, được các cấp bộ Đoàn, Hội ghi nhận. Mỗi nẻo đường của Hành trình xanh trên quê hương Hải Dương và những chiến dịch tình nguyện xa đều có màu áo của sinh viên Đại học Hải Dương. Đó chính là niềm tự hào, tự tôn, là nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc mang tri thức, sức trẻ và niềm tin bồi đắp thêm tinh thần dân tộc và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam trong các em.

Nhà thơ Nguyễn Văn Tý viết: “Kháng chiến đã dành đất nước về cho đời/ Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi”, không chỉ là những vẫn thơ thể hiện niềm tự hào tinh thần dân tộc mà còn như khẳng định một điểm kết nối quan trọng của lịch sử, kháng chiến đã dành đất nước về cho đời và từ chiến thắng ấy, thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục tự hào, lấy tinh thần dân tộc bất tử làm sức mạnh nội sinh thực hiện khát vọng thế hệ - khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới./.

* Một số hình ảnh đẹp của sinh viên Trường Đại học Hải Dương trong các chương trình tình nguyện vì cộng đồng, tôi yêu Tổ quốc tôi:

Tin bài: Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học