Một số năng lực cần thiết để thực hiện dạy học theo hướng phát triển năng lực

Dạy học phát triển năng lực là một hướng dạy học tích cực nhằm giúp cho người học có khả năng tự chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực bản thân. Đây là hướng dạy học mà người dạy sẽ tổ chức các hoạt động cho người học chủ động suy nghĩ, tự giác tham gia vào tìm hiểu tri thức mới, nội dung mới, dựa vào kiến thức và vốn kinh nghiệm bản thân, để dạy học phát triển năng lực có hiệu quả, giáo viên phải nắm được nội dung và cách thức tổ chức dạy học.


Ảnh minh họa: Sinh viên Khoa Giáo dục chính trị - Tâm lý - Giáo dục học

Để có thể đáp ứng yêu cầu dạy học hoàn toàn mới của chương trình phổ thông theo tiếp cận năng lực học sinh thì người GV phải có các nhóm năng lực cơ bản cần thiết trong bất kỳ giai đoạn giáo dục nào, đó là:

Năng lực giảng dạy: Trước tiên, người GV phải am hiểu về chương trình dạy học, cần biết cách nghiên cứu, phân tích chương trình GD phổ thông mới, có thể dự đoán cho một giai đoạn giáo dục có liên quan, có thể thiết lập và đánh giá tầm quan trọng của kế hoạch giảng dạy trong thực tế nhằm đáp ứng mục tiêu GD. Dạy học phát triển năng lực người học đòi hỏi người GV phải hiểu đối tượng để đề ra và tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phải am hiểu về năng lực con người, về chuẩn năng lực để tổ chức hoạt động cho người học tham gia thực hiện hoạt động học tập, khám phá, chiếm lĩnh tri thức phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.

Năng lực tự học, tự bồi dưỡng: Trong xã hội hiện đại với sự phát triển hết sức mau lẹ của tri thức và khoa học, cách lựa chọn thông minh nhất của mỗi cá nhân là học cách học; học cách tiếp cận; cách lý giải và chia sẻ; cách thu thập và xử lý thông tin… để tự bản thân có khả năng khám phá, sáng tạo, có khả năng tự học và học suốt đời. Nhà trường cần hình thành và phát triển năng lực này cho SV và bản người GV cần có năng lực học cách học ngay từ lúc còn trong nhà trường sư phạm.

Năng lực hợp tác và thích ứng:

- Năng lực hợp tác là khả năng tương tác lẫn nhau, trong đó mỗi cá nhân thể hiện sự tích cực, tự giác, sự tương tác trực diện và trách nhiệm cao trên cơ sở huy động những tri thức, kĩ năng của bản thân nhằm giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ chung. Phát triển năng lực hợp tác cho người học là việc làm cần thiết góp phần phát triển toàn diện nhân cách. Tuy nhiên, việc phát triển năng lực hợp tác cho người học chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố là mức độ tri giác kiến thức của cá nhân khác nhau, kĩ năng lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ khác nhau, khả năng diễn đạt và bảo vệ ý kiến bản thân hay phản biện ý kiến khác của mỗi người khác nhau. GV phải khéo léo trong tổ chức dạy học tạo một sự thống nhất cao trong nhóm là thành công của nhóm kĩ năng hợp tác.

- Thích ứng là việc thay đổi tư duy và cách hành động bản thân sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng và tạo ra hiệu quả cao. Thích ứng đòi hỏi sự linh hoạt và mềm dẻo trong nhận thức và hành động. Nghề dạy học đòi hỏi GV cần có phản ứng nhanh trước các tình huống sư phạm khác nhau, cần có sự hợp tác đa chiều, cần biết thay đổi bản thân để tự thích ứng với các yêu cầu mới của cuộc sống, của khoa học kĩ thuật và phát triển chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của các địa phương, nhà trường…

Ảnh minh họa: Sinh viên Khoa Giáo dục chính trị - Tâm lý - Giáo dục học

Năng lực đánh giá năng lực của người học: Để có thể đánh giá được năng lực của người học, GV phải có kiến thức về năng lực trên ba phương diện:

 - Về độ cao của năng lực là xác định được mức độ thấp nhất và cao nhất của năng lực.

 - Về độ rộng của năng lực là xem năng lực ấy có liên quan hay được ứng dụng vào phạm vi nào, lĩnh vực nào, ví dụ như lĩnh vực Toán, Ngoại ngữ, Văn học...

- Về trình độ của năng lực đó là độ thành thục, sự nhuần nhuyễn kĩ năng thực hiện. Tuy nhiên, GV có thể ý thức được việc đạt được một năng lực nào đó thông qua các nhóm năng lực là như thế nào, để có thể đánh giá đúng và khách quan năng lực người học.

 Năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ: Phát triển năng lực nghề nghiệp của mỗi cá nhân là vấn đề cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, người GV phải biết tự nâng cao năng lực chuyên môn bằng cách tự lựa chọn hình thức học tập và cách tiếp cận các chuyên gia để học hỏi và phát triển kinh nghiệm chuyên môn, biết tạo ra môi trường làm việc thuận lợi với sự hỗ trợ của đồng nghiệp và lãnh đạo. GV phải xác định mục tiêu, các nhiệm vụ cụ thể, hoạt động cần thực hiện cho mỗi nhiệm vụ, và tự tổ chức quá trình học tập cho bản thân.

Ảnh minh họa: Sinh viên Khoa Giáo dục chính trị - Tâm lý - Giáo dục học

Tài liệu tham khảo

 [1] Nguyễn Lăng Bình (Chủ biên) - Đỗ Hương Trà, (2017), Dạy và học tích cực, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[2] Bernd Meier - Nguyễn Văn Cường, (2016), Lí luận dạy học hiện đại, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[3] Trần Khánh Đức, Lí luận và phương pháp dạy học hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tin bài: Khoa Giáo dục chính trị - Tâm lý - Giáo dục học