Quan điểm thực tiễn của Triết học Mác - Lênin và sự vận dụng trong giảng dạy tại Trường Đại học Hải Dương

Quan điểm thực tiễn là quan điểm cơ bản và quan trọng nhất trong Triết học Mác – Lênin. Quan điểm này được rút ra từ việc nghiên cứu vai trò của thực tiễn đối với nhận thức. Toàn bộ hệ thống lý luận của Triết học Mác - Lênin đã được xây dựng trên hòn đá tảng thực tiễn. Chỉ khi có quan điểm thực tiễn khoa học mới có thể hình thành nên thế giới quan, phương pháp luận, nhận thức luận của Triết học Mác - Lênin. 

Theo quan niệm của Triết học Mác - Lênin, thực tiễn là hoạt động vật chất - cảm tính, mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Thực tiễn biểu hiện rất đa dạng với nhiều hình thức song có ba hình thức cơ bản là hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học. Trong ba hình thức của hoạt động thực tiễn, hoạt động sản xuất vật chất là hình thức thực tiễn có sớm nhất, cơ bản nhất, quan trọng nhất.

Nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan một cách tích cực, chủ động, sáng tạo bởi con người trên cơ sở thực tiễn mang tính lịch sử cụ thể.

Thực tiễn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhận thức. Trước hết, thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức. Bằng và thông qua hoạt động thực tiễn, con người tác động vào thế giới khách quan, buộc chúng phải bộc lộ những thuộc tính, những quy luật để con người nhận thức. Chính thực tiễn cung cấp những tài liệu, vật liệu cho nhận thức của con người. Không có thực tiễn thì không có nhận thức, không có khoa học, không có lý luận, bởi lẽ tri thức của con người xét đến cùng đều được nảy sinh từ thực tiễn.

Thực tiễn luôn đề ra nhu cầu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển của nhận thức, vì thế nó luôn thúc đẩy cho sự ra đời của các ngành khoa học. Thực tiễn có tác dụng rèn luyện các giác quan của con người, làm cho chúng phát triển tinh tế hơn, hoàn thiện hơn, trên cơ sở đó giúp quá trình nhận thức của con người hiệu quả hơn, đúng đắn hơn.

Hoạt động thực tiễn còn là cơ sở chế tạo ra các công cụ, phương tiện, máy móc mới hỗ trợ con người trong quá trình nhận thức, chẳng hạn như kính hiển vi, kính thiên văn, hàn thử biểu, máy vi tính, v.v.. đã mở rộng khả năng của các khí quan nhận thức của con người. Như vậy, thực tiễn chính là nền tảng, cơ sở để nhận thức của con người nảy sinh, tồn tại, phát triển. Không những vậy, thực tiễn còn là động lực thúc đẩy nhận thức phát triển.

Thực tiễn cũng là mục đích của nhận thức. Nhận thức của con người ngay từ khi con người mới xuất hiện trên trái đất với tư cách là người đã bị quy định bởi những nhu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, muốn sống, muốn tồn tại, con người phải sản xuất và cải tạo tự nhiên và xã hội. Chính nhu cầu sản xuất vật chất và cải tạo tự nhiên, xã hội buộc con người phải nhận thức thế giới xung quanh.

Thực tiễn còn là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý.  Tri thức của con người là kết quả của quá trình nhận thức, tri thức đó có thể phản ánh đúng hoặc không đúng hiện thực khách quan. Không thể lấy tri thức để kiểm tra tri thức, cũng không thể lấy sự hiển nhiên, hay sự tán thành của số đông hoặc lợi ích để kiểm tra sự đúng, sai của tri thức mà chỉ có thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để kiểm tra chân lý.

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức đòi hỏi trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, con người phải luôn luôn quán triệt quan điểm thực tiễn. Quan điểm này yêu cầu việc nhận thức phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, phải coi trọng công tác tổng kểt thực tiễn. Việc nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành. Nếu xa rời thực tiễn sẽ dẫn đến sai lầm của bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, máy móc, quan liêu. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng và kinh nghiệm chủ nghĩa. Như vậy, nguyên tắc thống nhất giữa thực tiễn và lý luận phải là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận; lý luận mà không có thực tiễn làm cơ sở và tiêu chuẩn để xác định tính chân lý của nó thì chỉ là lý luận suông. Ngược lại, thực tiễn mà không có lý luận khoa học, cách mạng soi sáng thì nhất định sẽ biến thành thực tiễn mù quáng.

Trường Đại học Hải Dương là Trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương, được thành lập theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 26 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương. Năm 2023, trường Cao đẳng Hải Dương được sáp nhập vào Trường Đại học Hải Dương theo Quyết định số 448/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đào tạo sinh viên, trường đã thành lập 4 trường thực hành gắn với 4 cấp học của học sinh: Trường Mầm non thực hành Hoa Sen, Trường Tiểu học Chu Văn An, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An và trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Với tư cách là trường đào tạo đa ngành nghề, đặc biệt là đào tạo giáo viên cho tỉnh Hải Dương và cho các tỉnh trong cả nước, trường Đại học Hải Dương luôn quán triệt và thực hiện quan điểm thực tiễn cả với quá trình giảng dạy của giảng viên và quá trình học tập của sinh viên.

Đối với đội ngũ giảng viên, với lợi thế có hệ thống trường thực hành ở các cấp học, các giảng viên của nhà trường vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy sinh viên, vừa tham gia giảng dạy các môn học ở các trường thực hành. Qua đó giúp bổ sung kiến thức thực tiễn vào lý luận dạy học, gắn giảng dạy lý luận với thực tiễn sinh động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên nhà trường đã không ngừng nghiên cứu, học tập, vươn lên có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để đáp ứng nội dung và đối tượng đào tạo của nhà trường.

Đối với sinh viên, trường Đại học Hải Dương luôn trú trọng đào tạo sinh viên không chỉ vững về kiến thức lý thuyết mà quan trọng là gắn lý thuyết ấy với thực hành, tăng cường kỹ năng nghề cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm. Ngoài hai đợt thực tập theo quy định, ngay từ năm thứ nhất, nhà trường đã cho sinh viên xuống dự giờ các tiết dạy gắn với chuyên ngành đào tạo và các tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gắn với công tác chủ nhiệm. Thông qua đó, sinh viên được làm quen với môi trường phổ thông, có định hướng đúng đắn trong việc học và thực hành được kiến thức đã học để có kỹ năng nghề vững vàng khi ra trường.

 

Sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn trường Đại học Hải Dương dự giờ tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại lớp 10B, trường THPT Chu Văn An

Tóm lại, việc nghiên cứu quan điểm thực tiễn của Triết học Mác - Lênin có ý nghĩa rất quan trọng trong nhận thức và cải tạo thế giới nói chung và trong hoạt động giáo dục nói riêng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải nhận thức rõ quan điểm thực tiễn, vận dụng quan điểm này một cách đúng đắn khoa học để tránh bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, máy móc, quan liêu. Đồng thời, tránh tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn để không rơi vào chủ nghĩa thực dụng và kinh nghiệm chủ nghĩa. Bởi, “Lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng”./.

Tin, bài: Khoa Chính trị - Tâm lí - Giáo dục học