Hội thảo quản lý nhà nước về ngành gốm sứ

Thực hiện kế hoạch số 126/KH-ĐHHD ngày 11/11/2024, Đoàn giảng viên và học viên cao học Quản lý kinh tế M6.QLKT1 tổ chức đi thực tế và seminar học phần Chuyên đề thực tế tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương, địa chỉ: xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Về phía Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương, có sự hiện diện của Bà Phạm Thị Thế, Tổng giám đốc; Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành; Ông Phạm Quang Huy, Phó giám đốc; Ông Dương Duy Thành, Kế toán trưởng.

Về phía Đoàn thực tế, có TS. Lê Nguyệt, Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị, Phụ trách học phần chuyên đề thực tế, Trưởng Đoàn; TS. Nguyễn Phương Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học; cùng 25 học viên cao học ngành Quản lý kinh tế lớp M6QLKT1.

Sau phần giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Công ty Cổ phần sứ Hải Dương là Chương trình Hội thảo chủ đề “Quản lý nhà nước về ngành gốm sứ, thực tế tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương”.  

Bà Phạm Thị Thế, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương phát biểu tại buổi hội thảo

Nội dung chính của hội thảo gồm các vấn đề: Chính sách quản lý của nhà nước, của tỉnh Hải Dương về ngành gốm sứ; Mô hình tổ chức quản lý của Công ty; Chính sách quản trị nhân lực của Công ty; Các thương hiệu cạnh tranh; Những thay đổi của môi trường luật pháp, môi trường tự nhiên, công nghệ, chính sách kinh tế vĩ mô tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty; Việc chấp hành quy định pháp luật của Công ty; Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường tiêu thụ của Công ty; Những khó khăn, thuận lợi và những kiến nghị đề xuất của đơn vị thực tế đối với cơ quản quản lý nhà nước; Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường tiêu thụ v.v.

TS. Lê Nguyệt, Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị, giảng viên phụ trách học phần Chuyên đề thực tế phát biểu tại buổi hội thảo

Tại buổi Hội thảo, các thành viên Đoàn đã gợi ý cho Công ty một số giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức đang phải đối mặt: (1) Về quản lý nhân lực, doanh nghiệp cần hoàn thiện chính sách tạo động lực cho người lao động, đặc biệt là chính sách thu hút và “giữ chân” các nghệ nhân, cải cách chính sách tiền lương nâng cao thu nhập cho lao động gián tiếp và quản lý; (2) Về phát triển kênh phân phối tiêu thụ, Tăng cường liên kết, hợp tác với các Công ty quà tặng, Công ty in ấn trên chất liệu gốm sứ để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ đáp ứng tối đa mọi nhu cầu của khách hàng. Tăng độ phủ sản phẩm thông qua phát triển hệ thống kênh phân phối; (3) Về quản lý thương hiệu, Chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển thương hiệu sứ Hải Dương, gắn phát triển thương hiệu với bảo tồn văn hóa, nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm sứ Hải Dương, truyền thông tăng cường nhận diện thương hiệu, tạo dựng hình ảnh và uy tín thương hiệu sứ Hải Dương trong tâm trí người dùng; (4) Áp dụng công nghệ để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa mẫu mã nhằm nâng cao sức cạnh tranh; (4) Bám sát chính sách hỗ trợ của chính phủ, của bộ, ngành, cơ quan nhà nước về sản xuất và tiêu thụ hàng gốm sứ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối, tìm kiếm đối tác trong nước và thị trường nước ngoài v.v.

Đại diện Đoàn thực tế tặng quà lưu niệm cho Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương


Bà Phạm Thị Thế, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương tặng quà lưu niệm cho Đoàn thực tế

Tiếp theo, Đại diện Ban lãnh đạo Công ty dẫn Đoàn đi thăm quan quy trình sản xuất gốm sứ.

Học viên quan sát nghệ nhân tạo sản phẩm bình gốm sứ

Khuôn viên Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương

Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương

Chương trình thực tế kết thúc và thành công tốt đẹp. Chương trình không chỉ cung cấp cho học viên kiến thức thực tiễn liên quan tới học phần và ngành học, mà còn tạo cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường đoàn kết hỗ trợ trong học tập, công tác./.

Tin, ảnh: Lê Nguyệt, Khoa Kinh tế - Quản trị