Sáng ngày 27/9/2024, tại Văn phòng Khoa Kinh tế - Quản trị, Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 9 năm 2024 với chủ đề “Cập nhật kiến thức mới cho học phần Kinh doanh quốc tế và Marketing quốc tế”.
Nội dung sinh hoạt chuyên đề tháng 9/2024 của Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị
Buổi sinh hoạt chuyên đề có sự tham dự của đầy đủ các đảng viên trong Chi bộ. Mục tiêu của chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đối với học phần Kinh doanh quốc tế và Marketing quốc tế trong xu thế nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing, Trường Đại học Hải Dương phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội.
Đồng chí Lê Nguyệt - Bí thư Chi bộ chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề khẳng định: Trong những năm gần đây, với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng trên toàn cầu cùng nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy việc cập nhật, bổ sung kiến thức mới gắn với tình hình thực tế cho các học phần trong chương trình đào tạo cần phải được thực hiện thường xuyên.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Đào Thị Miền trình bày về đặc điểm tình hình và nội dung cập nhật kiến thức mới trong học phần Kinh doanh quốc tế và Marketing quốc tế.
Học phần Kinh doanh quốc tế và Marketing quốc tế là học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành trong chương trình đào tạo bậc đại học ngành Quản trị kinh doanh và Marketing. Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về lý luận và thực tiễn trong hoạt động kinh doanh quốc tế như: các hình thức kinh doanh quốc tế, các phương thức thậm nhập thị trường nước ngoài, các chính sách của Nhà nước và những yếu tố môi trường tác động đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Với đặc điểm của môi trường kinh doanh phức tạp hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế ngoài kiến thức chuyên môn sâu cần phải hiểu và vận dụng tốt các chính sách của Nhà nước, nắm bắt xu thế hội nhập của Việt Nam và thế giới, hiểu rõ môi trường kinh doanh… để tận dụng tốt nhất những cơ hội và hạn chế rủi từ môi trường quốc tế.
Đảng viên Chi bộ Khoa Kính tế - Quản trị tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề
Chuyên đề tập trung thảo luận các nội dung chính được cập nhật như sau:
(1) Tình hình và vị thế ngoại thương Việt Nam trên thế giới
Hiện tại, bài giảng học phần Kinh doanh quốc tế đã giới thiệu đến các em về các nội dung của hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên các em chưa thấy được bức tranh tổng thể của tình hình ngoại thương Việt Nam cũng như sự phát triển của nó đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Vì vậy, bổ sung kiến thức thực tế về tình hình và vị thế ngoại thương của Việt Nam sẽ giúp sinh viên cập nhật được những kết qủa đạt được về lĩnh vực ngoại thương của Việt Nam trong thời gian gần đây; những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tham gia xuất khẩu; quy mô xuất nhập khẩu và vị thế thương mại của Việt Nam trên thế giới. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam nhằm phát huy lợi thế của mình khi tham gia kinh doanh quốc tế. Sinh viên có thêm kiến thức thực tế đó sẽ hiểu được tiềm năng, sức mạnh và cơ hội của Việt Nam trong hoạt động ngoại thương.
(2) Tình hình đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài là một lĩnh vực quan trọng đối với Việt Nam khi nước ta chưa có nhiều vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Những kiến thức thực tế sẽ được bổ sung trong bài giảng về tình hình đầu tư nước ngoại tại Việt Nam là: tình tình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các đối tác đầu tư ở Việt Nam, những lợi ích từ thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Qua đây, sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời có ý thức học tập nâng cao trình độ, tiếp thu khoa học kỹ thuật để ứng dụng trong sản xuất kinh doanh nhằm tận dụng tốt nguồn vốn đầu tư.
(3) Môi trường kinh doanh quốc tế
Kinh doanh quốc tế là hoạt động liên quan đến nhiều quốc gia và luôn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố môi trường vĩ mô. Đặc biệt là môi trường kinh tế, chính trị. Trong thời gian gần đây nền kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, tạo ra những thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, tranh giành tài nguyên ở một số khu vực ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh đó là cuộc chiến tranh giữa Ukraina và Nga chưa có dấu hiệu kết thúc đã làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại thế giới của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc cập nhật thêm những kiến thức về môi trường quốc tế sẽ góp phần giúp các em thấy rõ sự ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Từ đó, sinh viên sẽ có ý thức trong cập nhật tình hình biến động của môi trường quốc tế để chủ động tham gia vào kinh doanh quốc tế.
(4) Tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia vào mạng lưới FTA thế hệ mới. Điều đó đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới…Tuy nhiên, để có thể tận dụng được những cơ hội từ các FTA mang lại đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu và áp dụng đúng và đủ những cam kết mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Những FTA thế hệ mới có cũng có nhiều điểm mới so với những FTA trước đây. Vì vậy, việc đưa thêm nội dung về tình hình đàm phán ký kết và thực thi các FAT vào bài giảng học phần Kinh doanh quốc tế là cần thiết để giúp các em có thêm kiến thức đầy đủ và chuyên sâu hơn về lĩnh vực kinh doanh quốc tế.
Sau phần trình bày của đồng chí Đào Thị Miền, các đảng viên trong Chi bộ đã tích cực tham gia ý kiến bổ sung, góp ý cho Chuyên đề. Các ý kiến tập trung vào nội dung bổ sung về tình hình ngoại thương của Việt Nam và tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các FTA vì đây là hai nội dung quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hơn nữa thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt những lợi ích từ các FTA mang lại. Trong đó lý do chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động trong việc áp dụng những cam kết của các FTA.
Cuối cùng đồng chí Lê Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ đưa ra một số kết luận: Những nội dung cập nhật kiến thức mới trong học phần Kinh doanh quốc tế và Marketing quốc tế là thiết thực. Đặc biệt là về tình hình đàm phán, ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới. Nội dung này cần được bổ sung vào các học phần khác như quản trị nhân lực, quản trị kinh doanh hậu cần… Tuy nhiên, để làm tăng hiệu quả của việc cập nhật kiến thức mới thì thầy cô giảng dạy nên kết hợp để sinh viên tự tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận trên lớp. Điều này sẽ rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tìm tòi sáng tạo và chủ động trong việc cập nhật kiến thức mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Buổi sinh hoạt Chuyên đề đã làm rõ những kiến thức mới sẽ được cập nhật, bổ sung trong học phần Kinh doanh quốc tế và Marketing quốc tế. Với những nội dung được bổ sung, sinh viên sẽ có thêm nhiều kiến thức thực tế và các kỹ năng trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy cho giảng viên và sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing của Khoa Kinh tế - Quản trị tại Trường Đại học Hải Dương.
Tin, bài, ảnh: Đào Thị Miền, Chi bộ Khoa Kinh tế - Quản trị