Ý thức được sự kết nối giữa chương trình đào tạo sinh viên sư phạm với thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông; khẳng định mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục đại học và các đơn vị tuyển dụng; thực hiện quan điểm giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng - học tập qua trải nghiệm, tăng thời lượng thực hành, nắm bắt xu hướng xã hội, chú trọng phát triển kĩ năng người học; những ngày gần cuối năm học 2023 - 2024, Thạc sĩ, Giảng viên chính Nguyễn Thị Hải Vân - Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hải Dương - đã dự giờ và đánh giá tiết dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hải Dương dành cho học sinh lớp 9 ở một số trường THCS, đồng thời tham gia hội thảo về việc tổ chức dạy học môn Giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương chủ trì.
Thạc sĩ, Giảng viên chính Nguyễn Thị Hải Vân đã ghi nhận, khích lệ tinh thần chủ động, sáng tạo chuẩn bị kế hoạch bài học của cô giáo Vũ Thị Tươi, Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố Chí Linh khi dạy thực nghiệm Chủ đề 4 - Bài 1 - Đặc điểm dân số và thành phần dân tộc ở Hải Dương. Đặc biệt, cô giáo Vũ Thị Tươi đã tích hợp được tính địa phương, tính vùng miền vào bài giảng, thể hiện được đặc trưng văn hóa của hơn 10 dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Từ thực tế giảng dạy môn Giáo dục địa phương ở các trường phổ thông, Thạc sĩ, Giảng viên chính Nguyễn Thị Hải Vân cùng các giảng viên Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành sư phạm do Khoa quản lí; mặt khác, thường xuyên cập nhật nội dung Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí địa phương vào bài giảng để mỗi giờ học của sinh viên trở nên sinh động, bổ ích, gắn với địa chỉ cụ thể. Đây chính là những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tin, bài: Khoa Ngữ văn và Khoa học xã hội