THƯ CHÚC MỪNG CỦA HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI DƯƠNG NHÂN NGÀY 20/11

THƯ CHÚC MỪNG CỦA HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI DƯƠNG NHÂN NGÀY 20/11

  Kính thưa Qúy thầy giáo!

Các em sinh viên thân mến!

Là người Việt Nam, có lẽ trong mỗi chúng ta, ai cũng có những phút bồi hồi xúc động khi nhớ về kỉ niệm xưa, nhớ về một thời cắp sách đến trường. Bao ký ức về thầy cô, về mái trường và bạn bè thân yêu, lại hiện về gần gũi thân thuộc làm ấm lòng ta. Hòa trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong thời gian qua, đã có nhiều hoạt động hội giảng, hội thảo khoa học, hoạt động văn nghệ sôi nổi của cán bộ giảng viên học viên, sinh viên Nhà trường thi đua lập thành tích tri ân thầy cô. Đây là dịp để chúng ta gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những tháng ngày giảng dạy, học tập, làm việc đong đầy kỷ niệm, chan hòa tình cảm đồng chí đồng nghiệp, tình cảm thầy trò của chặng đường giáo dục đào tạo cao quý mà ta đã đi qua.

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Từ thuở xa xưa cũng như hiện nay, cha ông ta luôn coi việc học như quốc kế sinh tồn, hưng thịnh. Bởi vậy, người thầy luôn luôn được xã hội kính trọng, tôn vinh đánh giá cao. Thời phong kiến, “Quân - Sư - Phụ” là bậc thang giá trị đã đánh giá cao vị thế xã hội của người thầy. Ngày nay, thầy giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”, là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa; và nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Bác Hồ Kính yêu từng nói: “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.

Cách đây 39 năm, ngày 28/9/1982, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định chính thức lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Kể từ đó, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội của giáo giới Việt Nam, là ngày để toàn xã hội tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc với các thầy cô, những người chở đò cần mẫn trên dòng sông tri thức, vượt qua bao khó khăn vất vả trong cuộc sống để đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, góp phần lớn lao vào công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đồng thời đây cũng là dịp để giáo giới chúng ta dành thời gian chiêm nghiệm chặng đường đã qua để ôn cố tri tân, tiếp thêm nghị lực, củng cố tình yêu nghề nghiệp của mình.

Sự tôn vinh người thầy không chỉ trong truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, từ ngàn đời nay của người Việt Nam, mà còn thể hiện niềm tin, lòng mong mỏi, kỳ vọng của toàn xã hội đối với thầy, cô giáo.  Chính vì thế, đòi hỏi đội ngũ giảng viên chúng ta, phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, trao dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người học, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh “ trồng người” mà Đảng và nhân dân giao phó.

"Con cái là của đề dành", các bậc cha mẹ, toàn xã hội đều gửi gắm niềm tin, kỳ vọng lớn lao tới thầy cô, mong con em mình được dạy dỗ nên người. Dĩ nhiên, nhà giáo chúng ta cũng là người lao động trí óc, cũng có khiếm khuyết, có cuộc sống đời thường, toan lo cơm, áo, gạo, tiền,... nhưng tuyệt nhiên những bao biện ấy không thể làm nhòa đi giá trị đạo đức nhân văn của "người thầy" theo đúng nghĩa như tằm rút ruột nhả tơ, cháy hết mình làm đẹp cho đời, vì một xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Nhà trường chúng ta trong những năm qua, mới thấy sự lao động bền bỉ, sự cố gắng vượt lên chính mình của tất cả mọi người trong đó các thầy giáo, cô giáo là người đi tiên phong để Nhà trường có được như hiện nay. Đặc biệt gần 02 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đào tạo đại học cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng đây cũng là cú hích để Trường Đại học Hải Dương đổi mới tư duy quản lý, hoàn thiện tác phong làm việc chuyên nghiệp, phát huy tính tự chủ của tập thể và cá nhân, sự say mê sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, qua đó nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, chủ động, linh hoạt chuyển đổi dạy học từ trực tiếp sang phương thức dạy học trực tuyến. Nhiều thầy cô đã tìm ra các biện pháp hay, phù hợp để phát huy phẩm chất năng lực, đưa bài học, kiến thức đến với người học một cách hiệu quả. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đã tổ chức thành công hội thảo, hội giảng đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiêm túc, an toàn và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, được dư luận ghi nhận đánh giá cao.

Thay mặt Đảng ủy - Ban Giám hiệu Nhà trường tôi xin trân trọng ghi nhận, tri ân, đánh giá cao sự đóng góp đầy trách nhiệm và có hiệu quả của cán bộ viên chức lao động toàn Trường, đặc biệt xin cảm ơn toàn thể các Thầy giáo, Cô giáo đã ngày đêm tận tụy với công việc, góp phần đào tạo ra những trí thức trẻ đủ đức, đủ tài, đảm nhận những vai trò trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của tỉnh Hải Dương và đất nước.

Hiện nay, toàn Trường đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phương châm là: “Lấy người học làm trung tâm, làm đối tượng phục vụ”, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, tính sáng tạo của các em. Muốn vậy, chúng ta cần tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm xã hội “lấy thầy cô giáo làm động lực” là nhân tố trụ cột, quyết định sự hưng vong của Nhà trường. Các thầy cô, là những người tự chủ, trách nhiệm xã hội đi đầu trong khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là những nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà kỹ thuật, nhà quản lý... biến tri thức thành sức mạnh thực tế để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội, làm tăng giá trị cho bản thân và Nhà trường.

Nhà trường mong muốn tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức lao động qua các thời kỳ mãi phát huy khối đoàn kết vững chắc, chung sức, đồng lòng cùng nhau xây dựng mái trường ngày càng phát triển vững mạnh; mong muốn các thầy, các cô luôn tận tâm với nghề, yêu nghề, luôn giữ phẩm chất đạo đức nhà giáo trong sáng, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Mong muốn các thầy cô không chỉ thành đạt trong sự nghiệp giáo dục đào tạo mà còn thành công hạnh phúc trong cuộc sống.

Tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã tận tâm, tận lực với sự nghiệp giáo dục đào tạo; đến tất cả mọi người, mọi tấm lòng nhân hậu, thủy chung vì Nhà trường, vì sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                                                             HIỆU TRƯỞNG

                                                                                                            TS. Vũ Đức Lễ