Đoàn kết - cội nguồn sức mạnh

Đại đoàn kết toàn dân tộc là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhờ đoàn kết, nhân dân Việt Nam đã lập nên những kì tích trong quá trình chống giặc ngoại xâm; thu được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thấu hiểu tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

1. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” và từ thực tiễn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Đoàn kết là truyền thống cực kì quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ nội hàm của đại đoàn kết toàn dân tộc: “Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới”.

Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết thành lí luận mà còn được thể hiện ở nhiều bài phát biểu chỉ đạo, diễn văn kỉ niệm những ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc cũng như của các bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương. Ngày 18-11-2020, tại Lễ kỉ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài diễn văn quan trọng, trong đó khẳng định: “Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư yêu cầu: “Mặt trận Tổ quốc các cấp với quyết tâm mới, khí thế mới, sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh”.

Ngày 16-8-2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng, chỉ rõ: “Đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kì quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”... Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lí luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta”.

Trong sự nghiệp đổi mới, với những thành tựu to lớn đạt được tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, trong đó có đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh bài học này trong những lần phát biểu của mình: Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Đây không chỉ là tinh thần đoàn kết, thống nhất mà còn là bài học về ý chí, hành động phải triệu người như một của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân ta ở mọi miền Tổ quốc trong tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành (tháng 11-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trước những bước ngoặt lớn của lịch sử với mục tiêu lớn lao của đất nước, nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang” và “Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta là tính cố kết cộng đồng, là “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, là tinh thần đại đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và mong muốn xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Gần đây nhất, nhân kỉ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, đã nhấn mạnh những truyền thống quý báu của Đảng: “Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỉ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Đó là truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả”.

Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa; vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao. Tất cả đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

3. Trong những năm tới, dự báo tình hình quốc tế, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Việt Nam còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với tranh thủ thời cơ, vượt qua nguy cơ, thách thức, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc là đặc biệt quan trọng. Trước tiên phải quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là vấn đề mang tính nguyên tắc; đặc biệt là phải quán triệt, vận dụng sáng tạo những quan điểm, sự chỉ đạo và giải pháp phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các bài nói, bài viết, bài phát biểu, đặc biệt là cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Qua đó góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 43-NQ/TƯ, ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Bài học từ thực tiễn lịch sử cho thấy, khi nào sức mạnh của khối đại đoàn kết, sức mạnh của lòng dân được phát huy, khi đó đất nước ổn định, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; và ngược lại, khi nào lòng dân li tán, khối đại đoàn kết bị chia rẽ, xã hội lâm vào tình cảnh rối ren, đời sống nhân dân lầm than, cực khổ. Do vậy, chỉ có đoàn kết mới có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn; chỉ có đoàn kết và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam mới đổi mới, hội nhập và phát triển thành công. Với ý nghĩa đó, việc quán triệt và vận dụng sâu sắc quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đặc biệt quan trọng.

(Bài viết của Giảng viên Lịch sử, Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hải Dương đăng trên hanoimoi.vn ngày 03/6/2024)


TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa                                 

Giảng viên Khoa NV & KHXH - Trường Đại học Hải Dương