Người đã lên tàu đi xa

Ngày cuối cùng của vua Thành Thái rời kinh đô Huế, làm cho tôi nhớ lại, tướng Nguyễn Tri Phương 74 tuổi vẫn ra trận ôm đứa con trai chết trên thành Hà Nội. Người tướng già tuyệt thực  30 ngày khi thành Hà Nội thất thủ và còn biết bao nhiêu người khác như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân… thà rơi đầu xuống đất này chứ không bao giờ hàng quân cướp nước.

Nước mất mà không biết là bất nhân, biết mà không cứu là bất trung, cứu mà không xả thân là bất dũng, có dũng khí mà không có phương sách là có tâm mà thiếu trí. Ngàn năm giang sơn bền vững, lẽ nào bất lực trước họa Tây phương.

Đó là những tâm sự của Nguyễn Tất Thành khi tận mắt nhìn cảnh một vị vua yêu nước  buộc phải từ bỏ ngai vàng của mình và bắt đầu dấn thân vào cuộc sống của một tù nhân mất nước. Năm 1907, vua Thành Thái bị người Pháp đưa đi giam lỏng ở Vũng Tàu. Đến năm 1916, vua bị đày ra đảo  Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với con trai là vua Duy Tân. Vua Duy Tân lên ngôi lúc 8 tuổi đã đặt ra những câu hỏi mà  chưa có lời giải đáp: “Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa?”. “Nước bẩn làm thế nào cho sạch?”.

Nguyễn Tất Thành  nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về để giúp đồng bào”.

Ảnh minh họa: Tàu Amiral Latouche Tréville – nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp           

Nguyễn Tất Thành không sang phương Bắc vì đã có những người Việt như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Thiện Thuật từng cầu cứu triều đình Mãn Thanh nhưng đều tuyệt vọng, càng không thể hướng đến đất nước  Nhật Bản vì Phan Bội Châu đã phải quay về trong nỗi uất hận.

Nguyễn Tất Thành  muốn  sang Pháp vì nước  ấy có chiếc chổi khổng lồ quét được tất cả những rác rưởi của xã hội. Khi những cái xấu xa của xã hội bị loại bỏ,  những người nghèo ở nước ấy cùng nhảy múa quanh một cái cây có trang trí những chiếc nơ hình hoa hồng. Nguyễn Tất Thành muốn tận mắt nhìn thấy chiếc chổi khổng lồ của nước Pháp và xem người dân Pháp đã sáng tạo kỳ diệu như thế nào.

Ngưyễn Tất Thành  muốn tới nước Mỹ vì nước Mỹ  có chiếc Chuông Tự do được đặt ở Philadelphia. Khi chiếc chuông  ấy được vang lên, người ta nghe thấy những lời tuyên ngôn rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, đều được Thượng đế ban cho những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chàng thanh niên ấy muốn xem người dân Mỹ làm như thế nào để đúc được chiếc chuông kỳ lạ như vậy và thực sự trên đời này có chiếc Chuông Tự do hay không? Nếu Chuông Tự do không có thật thì Huân chương Tự do và Nữ thần Tự do cũng chỉ là nói dối.

Trước khi xuất dương, Nguyễn Tất Thành nhận thấy sự đơn độc và Người đã tìm đến một người bạn của mình và nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào của chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thực ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh có đi với tôi không?”.

Người bạn đã từ chối lời mời này bởi quyết định quá mạo hiểm của Nguyễn Tất Thành. Ngày 5-6-1911, trên con tàu  huyền thoại của đô đốc Latouche  Tréville, Nguyễn Tất Thành đã ra đi  tìm đường cứu nước. Con tàu đã rời bến cảng Nhà Rồng, Người đã vô cùng quả cảm nhưng cô đơn khi nhận thấy rằng, sóng dưới chân tàu không phải sóng quê hương.

Tài liệu tham khảo

Tôn Thất Bình (2000), Triều đại nhà Nguyễn, Nxb. Đà Nẵng.

Vũ Ngọc Khánh (2012), Những vua, chúa sáng danh trong lịch sử Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2012.

Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, H, 2011, tập 1.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

Nguyễn Đắc Xuân (1996), Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, Nxb Thuận Hóa.

Bài viết: TS. Nguyễn Thị Thanh Hoa - Khoa Ngữ văn và Khoa học xã hội