Trường THPT Chu Văn An được thành lập tháng 3 năm 2019, là trường THPT tư thục thứ 15 trong hệ thống các trường THPT tư thục của tỉnh. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò đặc biệt quan trọng, hàng năm, nhà trường đều chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL trong nhà trường, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường.
Công tác PBGDPL được nhà trường tổ chức với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB, GV, NV), căn cứ vào các văn bản Quy phạm pháp luật của UBND tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo Hải Dương có liên quan, tổ công tác pháp chế đã tổ chức phổ biến kịp thời, thường xuyên các Luật, các văn bản QPPL mới về giáo dục và đào tạo, các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các quy định pháp luật phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đối tượng thuộc phạm vi quản lý của nhà trường. Đối với học sinh, nhà trường tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, bạo lực học đường...
Các Đ/c công an phường Thanh Bình tuyên truyền phòng chống pháo nổ trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cho học sinh toàn trường trong tiết chào cờ đầu tuần
Nét nổi bật trong công tác PBGDPL tại trường THPT Chu Văn An là nhà trường đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của nhà trường như: Hội nghị học tập, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, cuộc thi, hội thi, đăng tin, bài trên hệ thống phát thanh hoặc phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép nội dung PBGDPL vào các tiết học hoặc các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Cùng với việc tuyên truyền lý thuyết, trong buổi ngoại khóa các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học”, tổ chức hỏi - đáp với các câu hỏi dễ nhớ mà vô cùng thực tế, vừa thu hút sự tham gia tích cực của học sinh, vừa giúp học sinh rèn những kỹ năng quan trọng như: phòng tránh chất gây nghiện, phòng tránh cháy nổ, tham gia giao thông an toàn...
Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm nay, trường THPT Chu Văn An tổ chức một chuỗi các hoạt động PBGDPL, trong đó phải kể đến hai hoạt động nổi bật, đó là: các đồng chí công an thuộc đội Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy (Công an thành phố Hải Dương) tuyên truyền cho tất cả học sinh toàn trường về việc phòng chống tệ nạn ma túy, thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học vào các tiết chào cờ đầu tuần và các lớp tổ chức ngoại khóa với chủ đề “Học sinh THPT Chu Văn An tích cực tìm hiểu, học tập và chấp hành pháp luật” trong tiết Hoạt động trải nghiệm cuối tuần.
Đ/c công an thuộc đội Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy - Công an TP. Hải Dương tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, thuốc lá, thuốc lá điện tử tại lớp 11B
Đ/c công an thuộc đội Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy - Công an TP. Hải Dương tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, thuốc lá, thuốc lá điện tử tại lớp 12A
Ngoại khóa chủ đề “Học sinh THPT Chu Văn An tích cực tìm hiểu, học tập và chấp hành pháp luật” tại lớp 11G ngày 7/11/20223
Gần đây, thực hiện Công văn của Sở GD&ĐT về việc triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2023 – 2024, trường THPT Chu Văn An đã phối hợp với Công ty Head Honda Tiên Tiến tổ chức chương trình tuyên truyền, tập huấn An toàn giao thông cho học sinh với chủ đề “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” vào sáng ngày 8 tháng 1 năm 2024.
Tại chương trình, học sinh được tập huấn các kiến thức về an toàn giao thông như: nhận biết các loại biển báo giao thông, nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đội mũ bảo hiểm đúng cách; thực hành lái xe an toàn, ngồi sau xe an toàn, cách qua đường an toàn. Bằng sự linh hoạt, khéo léo trong lồng ghép giữa các nội dung với các tình huống giao thông thực tế, hình ảnh minh họa, buổi tuyên truyền, tập huấn đã nhận được sự quan tâm, tham gia sôi nổi của học sinh trong toàn trường.
Buổi tuyên truyền đã cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, hướng dẫn học sinh những kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông, qua đó giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
Học sinh tham gia phần thực hành lái xe an toàn
Học sinh tham gia trả lời câu hỏi và nhận các phần thưởng từ chương trình
Có thể nói, công tác PBGDPL được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, thực chất trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan và bám sát đặc điểm của học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường. Mỗi hoạt động PBGDPL đều được lên kế hoạch một cách cụ thể, dự trù kinh phí một cách chi tiết và phân công nhiệm vụ cho các bộ phận thực hiện một cách rõ ràng. Nhờ vậy, công tác PBGDPL đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Sau các hoạt động đó, nhiều học sinh đã thực sự trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc về văn hóa giao thông, văn hóa không gian mạng và phòng chống các tệ nạn xã hội. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường học đường an toàn - thân thiện - văn minh.
Mặc dù công tác PBGDPL trong nhà trường đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế như: Hiệu quả PBGDPL tại một số lớp, nhất là những lớp khối 12 chưa cao, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào PBGDPL cũng mới được thực hiện, chưa phát huy được nhiều hiệu quả trên thực tế. Hạn chế này bắt nguồn từ hai nguyên nhân cơ bản:
Một là: Số lượng các văn bản pháp luật ngày càng nhiều, với nội dung rộng, phong phú, trong khi đội ngũ làm công tác PBGDPL còn mỏng,chủ yếu là kiêm nhiệm, nghiệp vụ không đồng đều.
Hai là: Một số HS chỉ tập trung vào các môn thi Đại học, không nhiệt tình tham gia các hoạt động khác.
Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động PBGDPL đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường trên cơ sở sự vào cuộc của cả Ban Giám hiệu, các tổ chức, đoàn thể … Trong đó, trọng tâm là đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo đảm phù hợp, hiệu quả; cập nhật các nội dung tuyên truyền mới, sát với thực tiễn chấp hành pháp luật của học sinh trong trường cũng như học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường học đường an toàn - thân thiện - văn minh./.
Tin, bài: Nguyễn Thắm
Khoa Giáo dục chính trị - Tâm lý - Giáo dục học