Trường Đại học Hải Dương tham dự Hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”

Sáng 10/5/2024, Câu lạc bộ các trường đại học địa phương trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hạ Long tổ chức Hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”. Tham dự Hội thảo có ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Văn Tích, Giám đốc Học Viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Hoàng Văn Hải, Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh và đại diện lãnh đạo các sở ngành tỉnh Quảng Ninh.

Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Câu lạc bộ các trường đại học địa phương trực thuộc Hiệp hội có ông Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; ông Phạm Ngọc Lan, Ủy viên BTV, Trưởng ban Công tác hội viên và đại diện lãnh đạo các trường đại học, thành viên của CLB. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ qua các điểm cầu trực tuyến.

Đoàn đại biểu Trường Đại học Hải Dương tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thu Hà, TS. Nguyễn Thị Hồng Gấm: Phó Hiệu trưởng Nhà trường và một số cán bộ, giảng viên, nhà khoa học.

 

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao Giấy chứng nhận cho các trường thành viên Câu lạc bộ

Tại Hội thảo, đại diện các Trường đã có những trao đổi, thảo luận, bài viết liên quan đến Chủ đề của Hội thảo: “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” trong đó có những tham luận nổi bật như: “Tương lai bền vững của hệ thống trường đại học, cao đẳng địa phương”, “Vai trò động lực của trường đại học địa phương trong việc tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”, “Những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các trường đại học địa phương và giải pháp khắc phục”, “Phát huy vai trò của Trường Đại học Hạ Long trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh”, “Trường Đại học Hải Dương tinh gọn bộ máy, chuẩn hóa đội ngũ sau sáp nhập đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, “Vị trí, tầm quan trọng của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội địa phương: Thành tựu và thách thức từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một”,….

  

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham gia Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, TS. Nguyễn Hồng Gấm là các đồng chí Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương đã có tham luận với chủ đề “Trường Đại học Hải Dương tinh gọn bộ máy, chuẩn hóa đội ngũ sau sáp nhập đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”. Từ những đánh giá về những kết quả đạt được sau khi thực hiện Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương, tham luận khẳng định việc sáp nhập đã phát huy được thế mạnh của hai Nhà trường, tinh gọn đầu mối, năng động, sáng tạo tiếp tục xây dựng Trường Đại học Hải Dương phát triển bền vững về quy mô và chất lượng, từng bước khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Hải Dương và khu vực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương và cả nước. Trên cơ sở đó, tham luận đã đưa ra một số kinh nghiệm của Trường Đại học Hải Dương và giải pháp phát triển trường đại học địa phương trong bối cảnh tự chủ đại học gồm: (1) Tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan ban ngành địa phương đặc biệt, là sự quan tâm về đầu tư cở sở vật chất, hỗ trợ tài chính và nguồn tuyển sinh; (2) Các trường cần tận dụng cơ chế thu hút hiện có của địa phương và đề xuất cơ chế đặc thù để nâng cao trình độ chuyên môn cho GV góp phần phát triển Nhà trường. Ngoài cơ chế thu hút GV cũng cần có cơ chế thu hút sinh viên những ngành cần cho nguồn nhân lực của địa phương; (3) Cần xây dựng mối đoàn kết nối nội bộ, tạo sự đồng thuận, đồng lòng của tập thể sư phạm trong việc xây dựng và phát triển Nhà trường; (4) Bản thân các trường cũng cần tư duy lại cách tổ chức, vận hành trường cho hiệu quả trong điều kiện mới, tinh giản bộ máy cho phù hợp để trường không bị động bởi việc cấp ngân sách và tuyển sinh; (5) Xây dựng chiến lược phát triển Nhà trường theo lộ trình cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của trường và cơ chế chính sách của địa phương; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực khác nhau để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất của Nhà trường; (6) Phát triển các ngành học mới theo lộ trình, phù hợp với  xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương; tích cực liên kết, hợp tác với các cơ sở đào uy tín… các doanh nghiệp trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng đào tạo gắn học với hành, đa dạng các loại hình đào tạo, cung cấp dịch vụ tiện ích cho người học, các sản phẩm khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” là dịp để các trường đại học địa phương đánh giá lại những đóng góp trong đào tạo nhân lực ở cấp độ địa phương và vùng lân cận; đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, vận hành các Trường đại học địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp để hệ thống các trường thể hiện vai trò, vị thế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và đất nước.

Tin, bài: Phòng Hành chính - Quản trị