Nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo, giúp sinh viên phát triển tư duy logic, năng lực sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề. Đối với sinh viên Trường Đại học Hải Dương nói chung và Khoa Toán và Khoa học Tự nhiên nói riêng, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là một nội dung thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện.
Tham gia NCKH giúp sinh viên hình thành và phát triển các kỹ năng: xác định chủ đề, xây dựng thuyết minh đề cương, tổ chức thực hiện và giải quyết vấn đề nghiên cứu, đặt giả thuyết khoa học, lựa chọn phương pháp nghiên cứu, thu thập và xử lý dữ liệu, tra cứu tài liệu,... Từ đó, sinh viên không chỉ nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu mà còn rèn luyện được tư duy phản biện, tư duy hệ thống và khả năng làm việc nhóm.
Các đề tài NCKH của sinh viên được triển khai dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên có kinh nghiệm. Giảng viên hướng dẫn đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho sinh viên, từ việc lựa chọn chủ đề, xác lập mục tiêu, đến quá trình phân tích, đánh giá và hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời, thông qua sự đồng hành và chia sẻ, giảng viên cũng giúp sinh viên vượt qua các khó khăn, phát huy tối đa điểm mạnh và sự sáng tạo cá nhân.
Năm học 2024 - 2025, sau quá trình xét duyệt, Ban chủ nhiệm Khoa đã lựa chọn 4 đề tài có tính khả thi để giao cho các nhóm sinh viên thực hiện, bao gồm:
1. Ứng dụng phân phối Poisson trong một số bài toán thực tiễn.
2. Ứng dụng Toán THPT vào các bài toán tối ưu hóa trong thực tiễn.
3. Hình học Euclid: Nền tảng của hình học cổ điển và ảnh hưởng đến khoa học hiện đại.
4. Xây dựng quy trình mô hình hóa toán học thông qua dạy học nội dung bất phương trình Toán lớp 10.
Các đề tài đều có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời bám sát định hướng nghề nghiệp sư phạm mà sinh viên theo đuổi.
Sau hơn 5 tháng triển khai, các nhóm sinh viên đã báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội nghị Khoa học Sinh viên của Khoa Toán và Khoa học Tự nhiên vào ngày 21/4/2025 - đúng dịp hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Các báo cáo đều thể hiện được năng lực nắm bắt kiến thức chuyên môn, tư duy độc lập và bước đầu xác lập được hướng ứng dụng vào thực tiễn giáo dục. Trong số đó, một đề tài nổi bật đã bước đầu đáp ứng yêu cầu của một công trình khoa học hoàn chỉnh, trong đó xác định rõ tính cấp thiết, mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung nghiên cứu và các đóng góp mới. Đề tài tập trung hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về năng lực mô hình hóa toán học, khảo sát thực trạng năng lực này ở học sinh và đề xuất quy trình dạy học tương ứng - cùng hệ thống ví dụ minh họa cụ thể.
Sau khi hoàn thành đề tài, sinh viên được tạo điều kiện tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học cấp trường và cấp cao hơn. Ngoài ra, các nhóm còn được ưu tiên xét cấp học bổng, xét danh hiệu thi đua và nhận Giấy chứng nhận NCKH của Khoa. Những đề tài có chất lượng tốt sẽ tiếp tục được phát triển để tham dự các giải thưởng NCKH cấp trường, cấp Bộ trong thời gian tới.
Có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng trong việc hình thành năng lực nghề nghiệp toàn diện cho sinh viên, đồng thời bồi dưỡng tính chủ động, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và năng lực giải quyết vấn đề – những yêu cầu thiết yếu đối với đội ngũ lao động chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Dưới đây là hình ảnh các nhóm sinh viên Khoa Toán và KHTN tham gia báo cáo NCKH năm 2025.
Nhóm đề tài: Hình học Euclid- Nền tảng của hình học cổ điển và ảnh hưởng đến khoa học hiện đại |
Nhóm đề tài: Ứng dụng Toán THPT vào các bài toán tối ưu hóa trong thực tiễn |
Nhóm đề tài: Ứng dụng phân phối Poisson trong một số bài toán thực tiễn |
Nhóm đề tài: Xây dựng quy trình mô hình hóa toán học thông qua dạy học nội dung bất phương trình Toán lớp 10 |
Các nhóm đề tài cùng với Ban lãnh đạo Khoa Toán và Khoa học tự nhiên |
Tin bài: Khoa Toán và Khoa học tự nhiên