Khoa Toán và Khoa học Tự nhiên nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên

Trong hành trình phát triển và đạt được những thành tựu vượt bậc của Trường Đại học Hải Dương trong những năm vừa qua, có sự đóng góp không nhỏ từ nỗ lực của các thầy cô và sinh viên của Khoa Toán và Khoa học Tự nhiên. Như Báo Giáo dục Thời đại nhận định: “Năm 2024, Trường Đại Học Hải Dương vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, khẳng định những nỗ lực không ngừng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực sư phạm, kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và khu vực đồng bằng sông Hồng”.

Sau Quyết đinh sáp nhập năm 2023, Trường Đại học Hải Dương hiện có 11 ngành có đào tạo sư phạm bậc đại học, trong đó Khoa Toán và Khoa học Tự nhiên đào tạo các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Khoa học Tự nhiên. Năm học 2023 - 2024 đánh dấu những thành công vượt bậc của Trường Đại học Hải Dương trên nhiều phương diện như, nhà trường đã mở thêm 14 ngành đào tạo đại học mới, thể hiện sự năng động trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và thị trường lao động. Công tác tuyển sinh đạt kết quả ấn tượng với hơn 2.500 sinh viên nhập học, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước sáp nhập. Trong đó Khoa Toán và KHTN là một trong những khoa có điểm trúng tuyển đầu vào rất cao (25,55 điểm). Điều này cho thấy uy tín và sức hút của Trường Đại học Hải Dương ngày càng được nâng cao.

“Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”1. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các khoa hiện nay là vấn đề có tính cấp thiết.

Nhận thức đúng vai trò của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, những năm qua, các thế hệ lãnh đạo của Khoa Toán và KHTN đã từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp nâng cao chất lượng các mặt công tác này. Từ năm 2023 đến nay, cán bộ quản lý giáo dục của có trình độ thạc sĩ đạt 100% trong đó có 03 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Các giảng viên của khoa đã thực nhiều đề tài khoa học, sáng kiến cấp Khoa, cấp cơ sở, cấp Bộ v.v. Các cán bộ nghiên cứu tích cực viết bài báo, công trình Hội thảo Quốc gia và quốc tế với số lượng chiếm gần 50% số bài viết của toàn trường. Các bài viết có chất lượng tốt, có tính thực tiễn cao, thậm chí có bài đạt chất lượng Q1 scopus.

Trong năm học 2023 - 2024, Khoa là đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo cấp Trường về: “ Nghiên cứu và giảng dạy toán học”. Hội thảo đã thu hút 70 nhà nghiên cứu tham gia với trên 30 bài viết học thuật. Trong có có các nhà khoa học có uy tín như GS.TSKH Hà Huy Khoái, TS. Vũ Hoài An tham gia báo cáo tại Hội thảo. Hội thảo được tổ chức tại Nhà Văn hóa Xứ Đông - Trung tâm văn hóa, khoa học, chính trị của tỉnh, đánh dấu bước trưởng thành của Khoa về nghiên cứu khoa học của Khoa.

Song song với nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng được lãnh đạo Khoa quan tâm chỉ đạo, các giảng viên tích cực hướng dẫn, các em sinh viên hào hứng tham gia. Khoa đã tổ chức các cuộc thi cho sinh viên của Khoa với tên gọi: “ Hành trình tri thức”. Các nhóm sinh viên các lớp tham gia tìm hiểu các nội dung về Lịch sử toán học, tham gia thi Olimpic sinh viên cấp Trường, mang lại nhiều kết quả tích cực. Đây là cơ sở để lãnh đạo Khoa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc học tập, quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, cán bộ, sinh viên.

Qua đây, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở tất cả giảng viên và sinh viên; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng; tập trung đầu tư, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đầu ngành; có chính sách phù hợp trong xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, khoa học trẻ, tạo nguồn kế cận. Đồng thời, tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học sâu rộng trong cán bộ, giảng viên, học viên, hướng chủ thể nghiên cứu vào các đề tài trực tiếp phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Căn cứ các đề tài, chuyên đề giảng viên, sinh viên đăng ký, Khoa phân công đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu hướng dẫn, giúp học viên trong suốt quá trình tham gia nghiên cứu khoa học. Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, biểu dương, khen thưởng cán bộ, giảng viên, học viên có thành tích cao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Kiên quyết đấu tranh phê phán, loại bỏ các động cơ tiêu cực, nhất là bệnh thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đề nghị các cấp quản lý Nhà trường tập trung xây dựng, hoàn thiện quy chế giáo dục, đào tạo và hoạt động khoa học và công nghệ đúng quy định, hướng dẫn. Quan tâm bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia đầu ngành, nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn; có chính sách thu hút nhân tài về Nhà trường công tác. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, thực hiện chế độ đãi ngộ với cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các Nhà trường; củng cố, kiện toàn hội đồng, cơ quan quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát huy hiệu quả thực tế, tránh hình thức, đơn giản trong hoạt động. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định về kết hợp giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học; phát huy vai trò của các lực lượng trong nghiên cứu khoa học; duy trì nền nếp, xây dựng môi trường hoạt động và sinh hoạt khoa học sôi nổi, rộng khắp, dân chủ, phù hợp với nhu cầu và trình độ các đối tượng; tạo động lực, thu hút cán bộ, giảng viên ở các loại hình đào tạo tích cực tham gia. Cơ quan quản lý khoa học cần đổi mới, bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo, xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, đảm bảo yêu cầu trước mắt và có tính cơ bản, lâu dài, cụ thể, chi tiết đến từng đề tài, làm cơ sở để triển khai đồng bộ, thống nhất. Các khâu thẩm định, xét duyệt đề cương, tổ chức nghiên cứu, hoàn chỉnh, nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Thực hiện tốt công tác tham mưu về chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách, tạo sự ràng buộc, huy động được trí tuệ và năng lực của các lực lượng đối với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; trong đó, ưu tiên triển khai các đề tài phục vụ trực tiếp nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

Tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang, thiết bị dạy học, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện hệ thống quản lý điều hành, phần mềm quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học; hệ thống giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, dữ liệu thông tin, tài liệu,... tạo sự đột phá thực hiện đồng bộ, hiệu quả đề án ứng dụng công nghệ trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học. Thực hiện tốt các giải pháp trên đây, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các khoa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện hiện nay.

Nguyễn Ngọc Viên

Phó Trưởng Khoa Toán và Khoa học Tự nhiên