Vai trò của giảng viên trong việc định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên Khoa Ngữ văn và Khoa học xã hội

Ngày nay, khi các hình thức đào tạo tại bậc đại học đang được xây dựng theo chiều hướng linh hoạt, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lí luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng kiến thức cũng như rèn luyện kĩ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lí thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nghiên cứu khoa học là một khâu trong quá trình học tập của sinh viên. Nếu như giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ cốt lõi của giảng viên thì học tập và nghiên cứu khoa học chính là hai nhiệm vụ không thể tách rời của sinh viên trong trường đại học.

Môi trường đại học là nơi sinh viên được thỏa sức sáng tạo, nhất là trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Ở đây, bên cạnh việc học tập trên lớp, trực tuyến, các em sẽ được giới thiệu, định hướng và tiếp cận dần với các phương pháp nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học là một quá trình đòi hỏi rất nhiều yếu tố, điều kiện, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như không có sự định hướng, hỗ trợ. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, nếu như trong học tập theo học chế tín chỉ, người giảng viên là cố vấn học tập, là người định hướng vấn đề cho sinh viên tìm hiểu để đào sâu kiến thức; thì trong hoạt động nghiên cứu khoa học, người giảng viên vẫn tiếp tục giữ vai trò định hướng của mình nhưng ở yêu cầu cao hơn.

Giảng viên Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học ngay trong quá trình giảng dạy. Bằng nội dung môn học, bằng việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, bằng các hoạt động khoa học trong và ngoài nhà trường…, giảng viên có thể giúp sinh viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học. Giảng viên cần khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên tra cứu các nguồn thông tin nghiên cứu mới ở thư viện, Internet…; giao các bài tập có tính chất nghiên cứu cho cá nhân cũng như cho nhóm sinh viên; tổ chức cho sinh viên tự tìm đọc tài liệu, đọc các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học. Ngoài ra, giảng viên Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội có thể định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên bằng cách tổ chức các hội thảo cấp khoa, cấp trường về chuyên môn; cho sinh viên tham dự các buổi báo cáo đề cương, bảo vệ đề tài của giảng viên và sinh viên. Các hội thảo, các buổi báo cáo đề cương và bảo vệ đề tài này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành môi trường nghiên cứu, trao đổi chuyên môn; là cơ hội cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu từ những người đi trước; là con đường để hình thành niềm say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Không chỉ vậy, giảng viên Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội còn có thể tạo điều kiện cho sinh viên cộng tác nghiên cứu với giảng viên; tổ chức cho sinh viên tham gia báo cáo, hội thảo khoa học với các trường có mô hình đào tạo tương tự để sinh viên được chia sẻ, học hỏi với bạn bè ngoài trường,... Đặc biệt, việc dự kiến tổ chức thi kết thúc một số học phần bằng hình thức làm tiểu luận, đề án có sự hướng dẫn của giảng viên nhằm từng bước đưa phong trào nghiên cứu khoa học đến tất cả các bạn sinh viên trong Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội. Với hình thức này, sinh viên sẽ học được rất nhiều từ việc thực hiện các tiểu luận, đề án như học cách tìm, đọc và tổng thuật tài liệu, xác định vấn đề, sử dụng phương pháp nghiên cứu, làm việc nhóm, trình bày và bảo vệ,...

Để khẳng định vai trò của giảng viên trong việc định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội nói chung và giảng viên Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội nói riêng cần chú trọng thực hiện một số những biện pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh dành cho sinh viên;

Thứ hai, khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tham gia tích cực những hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc biểu dương thành tích tại các cuộc thi, các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học ở đơn vị lớp và các cấp;

Thứ ba, định hướng cho sinh viên lựa chọn những đề tài phù hợp với trình độ,  ngành nghề được đào tạo của sinh viên và thực tiễn cuộc sống;

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách đầu tư hệ thống thông tin thư viện, phương tiện kĩ thuật hiện đại để hỗ trợ sinh viên trong việc tìm kiếm, thu thập tài liệu, thông tin;

Thứ năm, tạo điều kiện để những thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng của sinh viên được áp dụng vào thực tiễn.

Bằng những biện pháp nói trên kết hợp với nhận thức, kĩ năng, thái độ của sinh viên trước các vấn đề đặt ra trong cuộc sống và quá trình học tập; hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Ngữ văn và Khoa học Xã hội chắc chắn sẽ được nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả như kì vọng.

Tin bài: Khoa Ngữ văn và Khoa học xã hội