Ngày 27/6/2025, tại Trung tâm văn hóa xứ Đông, Trường Đại học Hải Dương đã long trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ số trong quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học gắn với phát triển kinh tế địa phương”.
Hội thảo đã hội tụ đông đảo hơn 250 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và gần 120 bài viết đến từ hơn 20 viện nghiên cứu và trường đại học khắp cả nước, thể hiện sức hút và tính cấp thiết của chủ đề hội thảo đối với sự phát triển giáo dục đại học, dặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và tự chủ đại học ngày càng sâu rộng.
Về phía khách mời có sự tham dự của các đại biểu khách quý: Đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của Tỉnh: Ông Nguyễn Quang Phúc - UVBTV - Trưởng ban Tuyên giáo và dân vận Tỉnh ủy, Ông Nguyễn Cao Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Đại diện lãnh đạo các Trường đại học, cao đẳng: Trường Đại họcThủ Đô, Trường Đại học Hải Phòng,… Đại diện các doanh nghiệp: Giám đốc Viettel Hải Dương, Giám đốc viễn thông Hải Dương cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Về phía nhà trường có Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học và đào tạo, các tiến sĩ, nghiên cứu sinh; Trưởng/ phó đơn vị và cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên cao học Trường Đại học Hải Dương.
Toàn cảnh đại biểu buổi Hội thảo
Đây là dịp quan trọng để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất, từ đó phản biện, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương nói riêng và các địa phương nói chung.
Mở đầu hội thảo là chương trình văn nghệ đặc sắc với những tiết mục múa, hát ca ngợi quê hương Hải Dương - mảnh đất địa linh nhân kiệt, truyền thống hiếu học và đổi mới sáng tạo. Tiếng hát rộn ràng, lời ca ngân vang như lời tri ân gửi tới các đại biểu, khách mời đã dành thời gian quý báu về tham dự Hội thảo.
Văn nghệ chào mừng mở đầu Hội thảo
Phát biểu khai mạc, TS Tạ Thị Thúy Ngân - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới các đại biểu, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học, coi đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện hiện nay và bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp những ý tưởng, giải pháp TS Ngân khẳng định: “Hội thảo là diễn đàn học thuật uy tín, góp phần mở rộng mạng lưới hợp tác, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, gắn kết nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”
TS. Tạ Thị Thúy Ngân - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương phát biểu khai mạc hội thảo
Nội dung hội thảo gồm 2 phiên: Phiên toàn thể; Phiên chuyên đề.
Phiên Toàn thể bắt đầu với phát biểu đề dẫn Hội thảo của TS. Tăng Thế Toan - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương, nêu rõ những vấn đề trọng tâm cần thảo luận, các mục tiêu, định hướng và kỳ vọng từ Hội thảo lần này. Các nội dung sẽ tập trung vào: Mô hình quản trị đại học trong bối cảnh số; Liên kết nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực; Định hướng đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
TS. Tăng Thế Toan - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương phát biểu đề dẫn hội thảo
Tiếp đó là các báo cáo mời đến từ các Giáo sư, Tiến sĩ có uy tín và kinh nghiệm dày dặn:
Báo cáo mời số 1: “Một số chia sẻ về hỗ trợ nghiên cứu khoa học từ trường đại học, chính quyền tiểu bang và chính phủ liên bang ở Hoa Kỳ” của GS David (Duc) Tran - Học viện Công nghệ Massachusetts, Boston, Mỹ. Bài tham luận của GS. David mang đến góc nhìn thực tiễn từ một quốc gia phát triển về cách chính phủ liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ phối hợp hỗ trợ trường đại học đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là bài học quý cho các trường đại học địa phương Việt Nam trong việc kiến tạo hệ sinh thái khoa học - công nghệ với đại phương.
GS David (Duc) Tran - Học viện Công nghệ Massachusetts, Boston, Mỹ - Phát biểu tại buổi Hội thảo
Báo cáo mời số 2: “Vai trò của hệ thống chứng chỉ quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu doanh nghiệp địa phương” do TS. Nguyễn Ngọc Tuấn - CEO BKACAD, BK Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày. Báo cáo nhấn mạnh tính linh hoạt trong đào tạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế về việc tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động dựa trên việc trang bị cho sinh viên những chứng chỉ chuẩn quốc tế.
TS. Nguyễn Ngọc Tuấn - CEO BKACAD, BK Holdings, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày báo cáo tại Hội thảo
Phiên toàn thể khép lại bằng phần thảo luận mở, với nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện, trao đổi sôi nổi từ các chuyên gia, giảng viên và đại diện doanh nghiệp, mang đến nhiều góc nhìn đa chiều, thiết thực.
PGS. TS Trần Trung Tuấn - Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội tham gia thảo luận
Tại phiên 2: Phiên chuyên đề bắt đầu với các báo cáo toàn văn, xoay quanh 06 nhóm chủ đề trọng tâm của hội thảo. Mỗi báo cáo là một đóng góp trí tuệ, chứa đựng những kết quả nghiên cứu và khuyến nghị thực tiễn chi quá trình đổi mới giáo dục đại học, NCKH và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều báo cáo chuyên đề đã được trình bày, tiêu biểu như:
“Chiến lược đào tạo Digital Marketing và Kinh doanh - Từ góc nhìn doanh nghiệp” do nhóm tác giả TS. Trần Thị Thanh Xuân và ThS. Nguyễn Thị Ánh Nguyệt trình bày. Bài báo phân tích nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp Việt Nam về nhân lực Digital Marketing và Kinh doanh số, đề xuất chiến lược đào tạo gắn với thực tiễn, nhấn mạnh vai trò liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) tại Việt Nam
TS. Trần Thị Thanh Ngân - Đại học Trường Đại học CN Giao thông vận tải trình bày bài tham luận
“A Deep Learning Framework for Plagiarism Detection in Vietnamese Academic Writing - Một phương pháp học sâu cho việc phát hiện trùng lặp trong bài viết học thuật tiếng việt” do TS. Lê Trung Hiếu (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Bài nghiên cứu đã xây dựng khung phát hiện đạo văn dựa trên học sâu, tích hợp các mô hình như SBERT, PhoBERT, các cơ sở dữ liệu vector để xử lý các trường hợp đạo văn phức tạp như paraphrasing, sao chép ý tưởng. Đây là công trình tiên phong, hứa hẹn góp phần nâng cao tính liêm chính học thuật trong môi trường giáo dục đại học.
TS. Lê Trung Hiếu - Trường Đại học Đại Nam thuyết trình bài tham luận
“Giải pháp nâng cao năng lực số cho doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Hải Dương” - TS. Lê Nguyệt (Đại học Hải Dương). Báo cáo không chỉ cung cấp cơ sở lý luận về năng lực số cho doanh nghiệp tư nhân mà còn đánh giá thực trạng năng lực số của doanh nghiệp tư nhân qua khảo sát 200 doanh nghiệp tại Hải Dương, từ đó đề xuất nhóm giải pháp toàn diện về nhân lực, hạ tầng, tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số.
TS. Lê Thị Nguyệt - Trường Đại học Hải Dương thuyết trình bài tham luận
Cùng nhiều tham luận và thảo luận sôi nổi từ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.
Hội thảo khoa học Quốc gia năm 2025 kết thúc trong không khí sôi nổi, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hướng đi mới cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ bậc đại học trong kỷ nguyên số.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tin, bài: Phòng KHCN - TT - TV