Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-ĐHHD ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Dương, trong 02 ngày từ ngày 04 đến ngày 05 tháng 7 năm 2020 Đoàn cán bộ, giảng viên và học viên các lớp cao học M1.QLKT2 và M4.KT2 đi nghiên cứu thực tế cuối khóa tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là chuyến đi với mục đích triển khai các hoạt động nghiên cứu thực tế, giúp học viên hiểu biết nhiều hơn nữa, học tập được kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Đoàn nghiên cứu thực tế, chỉ đạo chung có TS. Vũ Đức Lễ, Bí thư Đảng bộ - Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Tăng Thế Toan - Trưởng phòng Đào tạo Đại học và SĐH, chủ nhiệm lớp cùng toàn thể học viên của 2 lớp M1.QLKT2 và M4.KT2.
Đoàn đi thực tế chụp ảnh lưu niệm trước giờ xuất phát tại Trường Đại học Hải Dương, địa điểm Hải Tân
Ngày thực tế đầu tiên, đoàn đến thăm Bảo tàng Quảng Ninh - nơi được ví như ‘viên ngọc huyền bí’ của đất mỏ, một di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tại đây các anh chị em học viên được khám phá, trải nghiệm tất cả các không gian: sinh vật đặc trưng của Quảng Ninh, lịch sử tỉnh Quảng Ninh, không gian văn hóa tâm linh Yên Tử - Thiền viện Trúc Lâm...; được tham quan khu mô phỏng cuộc kháng chiến chống Mỹ của chiến khu Đông Triều; tìm hiểu quá trình khai thác và phát triển của ngành than; Quảng Ninh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập…Đây là cơ hội để các anh chị em học viên học hỏi, trao đổi, bổ sung kiến thức và đặc biệt là thấy được sự đổi thay từng ngày của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.
Đoàn cán bộ, giảng viên, học viên chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Quảng Ninh
Toàn bộ lịch sử ngành công nghiệp khai thác than Quảng Ninh từ thời Nguyễn, Pháp thuộc cho đến ngày nay được phác họa tương đối đầy đủ tại đây. Tìm hiểu nguồn khoáng sản này, các học viên đều nhận thấy: để đảm bảo phát triển bền vững ngành than - một trong những ngành cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho nền kinh tế (nhất là than cho điện) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì yêu cầu đặt ra là chúng ta cần phải hoạch định được chiến lược và có những cơ chế chính sách phù hợp...
Sa bàn khai trường lộ thiên của mỏ than Cọc 6 được trưng bày tại tầng 3 của bảo tàng
Chiều cùng ngày, Đoàn nghiên cứu thực tế được trải nghiệm trên du thuyền thăm Vịnh Hạ Long. Sự trải nghiệm này đã để lại ấn tượng sâu sắc và có ý nghĩa thiết thực đối với học viên 02 lớp. Mang lại nhiều cảm xúc mới và cách nhìn mới trước những sự đổi thay trong công cuộc đổi mới của con người, quê hương nơi đây.
Một góc nhỏ Vịnh Hạ Long (Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới)
Thay vì chỉ sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã và đang thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa nơi đây. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa - con người được triển khai hiệu quả, đảm bảo nghiêm túc. Các hoạt động dịch vụ trên Vịnh được quản lý chặt chẽ, ngày càng đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý văn hóa, du lịch của Thành phố. Tại đây các anh chị em học viên được tìm hiểu về các hoạt động kinh doanh, quản trị sản xuất, lợi thế phát triển nguồn lực tiền năng của vùng kinh tế biển Quảng Ninh.
Ngày thứ 2, Đoàn ghé thăm Trung tâm Hành chính công (HCC) thành phố Hạ Long - nơi ghi dấu việc hình thành một đơn vị đầu mối tập trung thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền của Thành phố. Không chỉ được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ đồng bộ, hiện đại mà kể từ khi Trung tâm đi vào hoạt động đến nay, mọi quy trình giải quyết hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ. Trung tâm đã thực hiện nguyên tắc 5 tại chỗ là "tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả" ngay tại trung tâm đối với nhiều loại TTHC. Việc khép kín quy trình tại chỗ không chỉ đảm bảo nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân, tổ chức mà còn giảm thiểu phát sinh tiêu cực trong quá trình giải quyết TTHC.
Cán bộ, giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Hành chính công thành phố Hạ Long
Với mong muốn xây dựng một nền hành chính phục vụ, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiện đại, năm 2015, thành phố Hạ Long đã khai trương và đưa Trung tâm HCC Thành phố vào hoạt động. Trải qua 5 năm, Trung tâm HCC Thành phố Hạ Long đã khẳng định hiệu quả và tính ưu việt của mô hình, tạo ra bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đặc biệt, từ chỗ chỉ cung ứng các TTHC liên quan đến hoạt động quản lý của chính quyền, đến nay hàng loạt các thủ tục thuộc quản lý của các đơn vị ngành dọc nhưng liên quan thiết thực đến đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng được đưa vào giải quyết tập trung tại Trung tâm HCC Thành phố như: cấp điện, nước, bảo hiểm xã hội, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân,.... Đoàn nghiên cứu thực tế đánh giá cao việc triển khai hệ thống thiết bị, ứng dụng và nhân lực chăm sóc khách hàng được trang bị đồng bộ và tổ chức đào đạo chuyên nghiệp, hiện đại.
Hai ngày thực tế tại Quảng Ninh tuy không dài, nhưng đủ để các anh chị em học viên có những trải nghiệm thực sự cần thiết. Đây là cơ hội tốt để các học viên được giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay về mô hình cải cách thủ tục hành chính và kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ….., sớm áp dụng những gì mình trải nghiệm được vào đơn vị, cơ quan công tác trong thời gian tới.
Tin tưởng rằng, sau chuyến đi và sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Nhà trường, học viên 02 lớp cao học M1.QLKT2 và M4.KT2 sẽ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, phục vụ tốt hơn cho công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đặc biệt là hoàn thành luận văn tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất./.
Tin, bài và ảnh: Nguyễn Thương