Tổng hợp một số điểm mới của thông tư 24/2024/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp

Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Thông tư số 24/2024/TT-BTC được ban hành nhằm thay thế 04 Thông tư: Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp; Thông tư số 108/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia; Thông tư số 79/2019/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Sự ra đời của thông tư 24/2024/TT-BTC đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong quản lý tài chính công, đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển.

Dưới đây là một số điểm mới của Thông tư số 24/2024/TT-BTC so với trước đây:

1. Cập nhật hệ thống tài khoản kế toán

Một trong những điểm mới quan trọng nhất của Thông tư 24/2024/TT-BTC là việc cập nhật và điều chỉnh danh mục tài khoản kế toán: Bổ sung 85 tài khoản, bỏ 109 tài khoản, thay đổi 42 tài khoản, gộp 02 tài khoản và chuyển đổi 28 tài khoản. Bên cạnh đó Thông tư 24 quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung hạch toán các tài khoản.

2. Quy định về chứng từ kế toán, sổ sách kế toán

- Bỏ 4 mẫu chứng từ bắt buộc phiếu thu, phiếu chi, giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và biên lai thu tiền, đơn vị chủ động thiết kế mẫu chứng từ phù hợp với hoạt động của đơn vị.

- Mẫu sổ tổng hợp Thông tư 24/2024/TT-BTC giữ nguyên 7 mẫu sổ hiện tại, sổ chi tiết được bổ sung 08 sổ, đổi tên 09 sổ.

3. Quy định về báo cáo quyết toán 

- Quy định cụ thể hơn về việc lập và nộp báo cáo trong các trường hợp:

            + Đơn vị thuộc ngân sách cấp trên được ngân sách cấp dưới cấp hỗ trợ kinh phí (như trường hợp cơ quan thuế, hải quan, kho bạc,… đóng trên địa bàn);

            + Đơn vị sử dụng kinh phí ủy quyền của đơn vị thuộc ngân sách cấp trên (ví dụ như cơ quan lao động thương binh xã hội tại địa phương nhận kinh phí ủy quyền để chi trả chính sách người có công,…).

- Biểu B01/BCQT

            + Điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu liên quan đến quyết toán nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài để phù hợp với pháp luật về quản lý nợ công và quy định về quản lý kinh phí viện trợ nước ngoài.

             + Bổ sung một số chỉ tiêu liên quan đến quyết toán nguồn phí được khấu trừ để lại (liên quan đến số liệu kinh phí giảm trong năm, số liệu kinh phí nhận trong năm nhưng đến cuối năm chưa được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi), nguồn hoạt động được để lại (liên quan đến số liệu kinh phí giảm trong năm).

4. Quy định về báo cáo tài chính

- Mẫu Báo cáo tài chính: Gồm 6 mẫu biểu báo cáo thành phần, bỏ báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp và mẫu B05/BCTC- Báo cáo tài chính đơn giản, bổ sung mẫu báo cáo thay đổi tài sản thuần, bổ sung mẫu thuyết minh tài sản hạ tầng.

- Nêu rõ việc bỏ sót thông tin, số liệu các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong năm không trình bày trên báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được coi là hành vi để ngoài sổ kế toán.

- Quy định nguyên tắc điều chỉnh thông tin, số liệu trình bày trên Báo cáo tài chính đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền hoặc đã công khai; các trường hợp được điều chỉnh hồi tố, áp dụng hồi tố số liệu vào số dư đầu năm hoặc số liệu năm trước.

5. Quy định về “Đơn vị hạch toán phụ thuộc”, “Đầu mối chi tiêu”

- Đơn vị hạch toán phụ thuộc là đơn vị cấp dưới của đơn vị kế toán, được thực hiện một số công việc kế toán nhất định theo sự phân công của đơn vị kế toán, cuối kỳ phải cung cấp thông tin, số liệu cho đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này.

- Đầu mối chi tiêu là đơn vị cấp dưới của đơn vị kế toán, không thực hiện công việc kế toán. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh tại đầu mối chi tiêu đều phải được hạch toán, ghi sổ kế toán tập trung tại đơn vị kế toán. Việc lập và luân chuyển chứng từ kế toán của đầu mối chi tiêu thực hiện theo hướng dẫn của đơn vị kế toán.

6. Kỹ thuật điều chỉnh số liệu kế toán

Các phương pháp điều chỉnh, sửa chữa:

- Điều chỉnh hồi tố: là việc đơn vị thực hiện điều chỉnh số liệu các chỉ tiêu thuộc khoản mục tài sản, nợ phải trả, tài sản thuần đã trình bày trên báo cáo tài chính năm trước bằng cách điều chỉnh số dư dầu kỳ trên báo cáo tài chính năm hiện tại, gồm điều chỉnh số liệu cột số đầu năm trên báo cáo tình hình tài chính năm hiện tại, dòng số dư đầu năm trên báo cáo về những thay đổi trong tài sản thuần năm hiện tại và thuyết minh báo cáo tài chính năm hiện tại. Đơn vị thực hiện điều chỉnh hồi tố trong các trường hợp: Phát hiện các sai sót trọng yếu và thực hiện theo yêu cầu/kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Áp dụng hồi tố là việc một chính sách kế toán mới được áp dụng cho các giao dịch, sự kiện đã phát sinh trước đó. Đơn vị áp dụng hồi tố trong trường hợp thay đổi chính sách kế toán, trong đó có quy định phải điều chỉnh thông tin, số liệu kế toán các năm trước.

- Áp dụng phi hồi tố là việc đơn vị ghi nhận ảnh hưởng của các thay đổi trong ước tính kế toán vào số phát sinh trên sổ kế toán của năm hiện tại. Trường hợp này thông tin, số liệu ước tính bị thay đổi khi các dữ kiện làm cơ sở cho ước tính trong các kỳ trước có thay đổi hoặc khi có thêm các thông tin mới.

7. Kết chuyển số dư sang 2025

- Chuyển đổi số dư tài khoản trong bảng: phải phân loại chi tiết để chuyển số dư

+ Một số tài khoản vẫn kế thừa nhưng có phân loại lại tài khoản chi tiết.

+ Một số tài khoản không còn sử dụng

+ Đơn vị có hoạt động đặc thù được Bộ Tài chính chấp thuận mở thêm tài khoản kế toán.

- Chuyển đổi số dư tài khoản ngoài bảng: tiếp tục theo dõi chỉnh lý hoặc điều chỉnh số liệu trong thời gian quyết toán để lập báo cáo quyết toán năm 2024.

- Đơn vị phải rà soát, đối chiếu các tài khoản còn số dư để kịp thời phát hiện các trường hợp đã hạch toán nhầm để kết chuyển số dư về tài khoản mới theo đúng nội dung kết cấu của tài khoản theo quy định.

- Một số trường hợp điều chỉnh hồi tố, áp dụng hồi tố sau khi ghi sổ kế toán phải tính toán lại số dư đầu năm để trình bày trên báo cáo tài chính năm 2025 của đơn vị (cột số dư đầu năm).

8. Áp dụng công nghệ thông tin

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Thông tư 24/2024/TT-BTC khuyến khích việc ứng dụng công nghệ trong kế toán, đặc biệt là việc sử dụng chứng từ điện tử và phần mềm kế toán hiện đại.

9. Nâng cao năng lực nhân sự

Thông tư 24/2024/TT-BTC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho đội ngũ kế toán viên. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để đảm bảo các nhân viên kế toán có đủ kỹ năng và kiến thức cần thiết nhằm thực hiện tốt các quy định theo thông tư mới. Việc nâng cao năng lực nhân sự sẽ giúp cải thiện hiệu quả công việc và đảm bảo tính tuân thủ trong quản lý tài chính.

Trên cơ sở thừa kế các quy định của Thông tư số 107/2017/TT-BTC, Thông tư số 24/2024/TT-BTC ban hành giúp quản lý chặt chẽ, an toàn tiền, tài sản nhà nước tại đơn vị, phản ánh chính xác, minh bạch nghiệp vụ kinh tế phát sinh và đáp ứng yêu cầu quản lý, quy định pháp luật hiện hành. Sự ra đời của thông tư này phản ánh một bước tiến lớn trong xu hướng hiện đại hóa nền tài chính quốc gia, góp phần xây dựng một môi trường quản lý công minh bạch và bền vững.

Tin bài và ảnh: ThS Phạm Thị An, Khoa Kế toán - Tài chính