Hướng dẫn sinh viên viết bài tập lớn - Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Đại học Hải Dương

Trên cơ cở căn cứ thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và việc đánh giá học phần/môn học được quy định trong quy chế đào tạo trình độ đại học của trường Đại học Hải Dương (quyết định số 471/QĐ-ĐHHD ngày 28/8/2023), khi kết thúc một học phần/môn học, giảng viên có thể sử dụng những hình thức khác nhau để đánh giá sinh viên, trong đó bài tập lớn là một trong những hình thức góp phần cho việc đánh giá năng lực của sinh viên trong học phần/môn học.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bài tập lớn được cho là một hình thức đánh giá tương đối hiệu quả vào cuối mỗi học phần/môn học, với mục đính chính là giúp sinh viên có cơ hội chuẩn bị về kiến thức, kĩ năng và phương pháp cho việc nghiên cứu khoa học sau này.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bài tập lớn, có rất nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất, chưa đạt được yêu cầu mà một bài tập lớn đưa ra. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sinh viên còn bỡ ngỡ, lúng túng, chưa hiểu rõ về vai trò của việc làm bài tập lớn và cách thức thực hiện một bài tập lớn. Bài viết sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn nhằm cung cấp những kiến thức, yêu cầu của một bài tập lớn, giúp sinh viên thực hiện tốt một bài tập lớn trong học phần/môn học.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Sự cần thiết của việc làm bài tập lớn của học phần/môn học

2.1.1. Bài tập và bài tập lớn là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt: Bài tập là “bài ra cho học sinh làm để tập vận dụng những điều đã học”.

Bài tập lớn: Bài ra cho học sinh là để tập vận dụng những điều đã học sau khi học sinh đã tích lũy được khối lượng kiến thức nhất định trong quá trình học.

Bài tập lớn phải có nội dung liên quan đến học phần/môn học, góp phần mở rộng hoặc nâng cao kiến thức về một vấn đề khoa học thuộc học phần/môn học đó. Thực hiện bài tập lớn của học phần/môn học, ngoài việc tái hiện các kiến thức liên quan đến học phần/môn học thông qua việc tổng hợp các tài liệu và ý kiến có sẵn, người làm bài tập lớn còn cần phải đưa ra những nghiên cứu và ý kiến riêng của mình về vấn đề khoa học được đề cập tới trong bài tập.

Bài tập lớn không nhất thiết bao quát toàn bộ nội dung của học phần/ môn học mà có thể chỉ đề cập đến một vấn đề/chủ đề nhất định trong học phần/môn học đó. Chẳng hạn, với một bài tập của học phần Giáo dục học: “Quá trình dạy học ở trường phổ thông và việc thiết kế bài dạy theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”. Việc tìm hiểu vấn đề này của bài tập sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quá trình dạy học đồng thời biết cách vận dụng lý luận vào việc thiết kế và tổ chức dạy học ở trường phổ thông hiện nay.

2.1.2. Vai trò của việc làm bài tập lớn môn học/ học phần

- Qua việc làm bài tập lớn, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn những vấn đề cơ bản thuộc về học phần/môn học.

- Giúp sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học, hình thành ở sinh viên thói quen nghiên cứu khoa học.

- Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của sinh viên, nhất là đối với với hệ đào tạo tín chỉ.

- Giúp sinh viên bước đầu biết gắn lý luận với thực tiễn.

- Góp phần rèn luyện kĩ năng viết và phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề của sinh viên.

- Chuẩn bị và trang bị kiến thức, kĩ năng, phương pháp cho việc viết các thể loại khóa luận, luận văn khoa học sau này của sinh viên như: báo cáo thực tập, thu hoạch thực tập tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp…

2.1.3. Trình tự và cấu trúc của bài tập lớn

a. Quy định chung

- Bài tập lớn kết thúc học phần/môn học phải là kết quả nghiên cứu của chính sinh viên.

- Bài tập lớn phải phù hợp với nội dung học phần/môn học.

- Sinh viên lựa chọn 1 trong ngân hàng bài tập lớn mà giảng viên của Bộ môn đã cung cấp. Nếu chọn chủ đề ngoài ngân hàng bài tập đó cần phải được thầy, cô đang giảng học phần đó chuẩn y.

b. Nội dung bài tập lớn

- Sinh viên trình bày dưới dạng một bài luận về một chủ đề tự chọn trong ngân hàng đề của học phần.

- Nội dung bài tập lớn được cấu trúc theo phần hoặc theo chương theo gợi ý trong ngân hàng đề;

c. Hình thức trình bày bài tập lớn

- Bài tập lớn phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, có đánh số trang … theo quy định;

- Bài tập lớn được soạn thảo bằng Winword, sử dụng phông chữ Times New  Roman, cỡ chữ 13 hoặc 14, mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc  kéo dãn cách giữa các chữ, căn lề đều hai bên;

- Bài tập lớn được in một mặt trên khổ A4, kiểu trang đứng với nội dung từ 10 đến 15 trang (chỉ tính số trang của 3 phần chính gồm: Mở đầu, Nội dung và Kết luận)

- Định dạng trang văn bản: giãn dòng 1,5 lines; Lề trên 2,0 cm; Lề dưới 2,0 cm; Lề trái 3,5 cm; Lề phải: 2,0 cm

- Số trang của bài tập lớn được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang giấy. Số trang chính được đánh từ phần mở đầu đến hết Danh mục tài liệu tham khảo bằng số tự nhiên: 1, 2, 3, …

d. Bố cục của Bài tập lớn

- Bìa (có mẫu kèm theo)

- Mục lục

- Mở đầu

- Nội dung

- Kết luận

- Danh mục tài liệu tham khảo

2.2. Các bước để thực hiện một bài tập lớn của học phần/môn học

Sau khi xác định được bài tập lớn là gì và các yêu cầu của bài tập lớn, sinh viên cần phải phân chia việc thực hiện bài tập lớn thành các công việc nhỏ hơn và đơn giản hơn; định rõ thứ tự thực hiện các công việc đó, thời gian cần thiết cho từng công việc. Tức là phải xác định các bước thực hiện bài tập lớn. Kết quả của việc làm này là một bản kế hoạch thực hiện bài tập lớn được giáo viên hướng dẫn chấp thuận. Về cơ bản, để thực hiện một bài tập lớn bao gồm các bước: xác định chủ đề, lập dàn ý cho bài tập lớn, thu thập và xử lý thông tin lý luận và thực tiễn, giải quyết từng mục trong nội dung của bài tập lớn đã được xây dựng trong dàn ý trước đó (viết nội dung bài tập lớn), hoàn thiện bài tập lớn. Tất nhiên, tùy theo từng môn học và từng đề tài mà có thể phải thêm, bớt các bước hoặc thay đổi thứ tự các bước cho phù hợp. Công việc cụ thể của các bước như sau:

2.2.1. Xác định chủ đề (vấn đề) của bài tập lớn

Sau khi nhận chủ đề của bài tập lớn (chủ đề có thể do giảng viên hướng dẫn nêu ra nhưng cũng có khi sinh viên phải tự tìm kiếm. Đối với học phần/môn Giáo dục học do tính đặc thù của môn học và với đối tượng làm bài tập lớn là sinh viên năm thứ nhất, thì các chủ đề được giảng viên định hướng và cho trước dưới dạng các vấn đề. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm kiếm và lựa chọn thêm các chủ đề khác mà nội dung nằm trong chương trình của học phần/môn học hoặc trong thực tiễn liên quan, nhưng phải được giảng viên thông qua. Cần phải xác định rõ phạm vi của nội dung chủ đề bài tập lớn. Đối với một số chủ đề còn phải giới hạn về thời gian, không gian của khi tìm hiểu nghiên cứu thực tiễn giáo dục phổ thông, điều kiện thực hiện.... Vì thời gian làm bài tập có hạn nên sinh viên cần chọn những đề tài vừa sức và phải đưa ra những giới hạn phù hợp.

2.2.2. Lập đề cương dàn ý của bài tập lớn

Đề cương là cái khung của bài tập lớn, nó đề cập những nét chính cần phải thực hiện của bài tập. Ở bước này, cần nêu ra được nội dung bài tập lớn sẽ gồm bao nhiêu phần, mục; cách sắp xếp, nội dung của mỗi mục. Đây là những dự kiến, sau này có thể thay đổi cho phù hợp. Nhìn chung, nội dung bài tập gồm các phần chính như: Phần mở đầu, Phần nội dung, Phần kết luận (cụ thể như đã trình bày trong mục “Bố cục của bài tập lớn”).

Lập đề cương dàn ý cho bài tập lớn là một bước cần thiết và rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai nội dung và chất lượng bài tập lớn. Vì vậy, đề cương phải được xây dựng rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Trong mỗi mục hoặc tiểu mục của các phần lớn cần chi tiết hóa nội dung thành các ý mà sau này sẽ phải triển khai. Đề cương càng chi tiết thì quá trình nghiên cứu và viết bài tập lớn sẽ càng thuận lợi.

2.2.3. Thu thập và xử lý thông tin

Sau khi đã xác định được chủ đề/vấn đề nghiên cứu của bài tập và xây dựng được đề cương nghiên cứu, cần phải thu thập các thông tin liên quan đến nội dung nghiên cứu của bài tập lớn, ví dụ như:

- Các nguồn tài liệu có liên quan đến nội dung nghiên cứu của bài tập lớn như giáo trình, sách, báo, tạp chí, kỷ yếu khoa học... được lưu trữ trong các thư viện hoặc trên Internet.

- Các kết quả có được từ các thực nghiệm, điều tra, ... (nếu có).

Trên cơ sở kết quả thu thập thông tin, sinh viên phải tiến hành xử lý thông tin theo 2 cách: định tính và định lượng tùy vào kết quả thu thập thông tin và mục đích nghiên cứu đặt ra. Kết quả của việc thu thập thông tin là một bản danh mục các tài liệu tham khảo, trong đó các tài liệu được sắp xếp theo thứ tự ABC theo tên tác giả.

Thực hiện viết nội dung bài tập lớn: Đây là bước chiếm nhiều công sức nhất trong quá trình làm bài tập lớn. Sinh viên cần phải tiến hành nghiên cứu, tra cứu tài liệu, tổng hợp và phân tích dữ liệu, suy nghĩ và đưa ra những nhận xét, đánh giá,... cho từng mục trong bài tập lớn. Sau đó viết những kết quả nghiên cứu của mình để hoàn thành từng phần của bài tập lớn.

Trước hết nên viết dưới dạng bản thảo tất cả những thông tin, những kết quả có được, những ý tưởng đã có cho bài tập cho dù còn lộn xộn, chưa chắc chắn. Trong các bước tiếp theo sẽ sửa chữa, sàng lọc, sắp xếp, hoàn chỉnh lại.

2.2.4. Hoàn thiện bài tập lớn

Sau khi đã viết được hầu hết nội dung bài tập, cần phải đọc lại và hoàn thiện bài tập. Phần này, việc soạn thảo viết bài tập lớn bằng máy tính sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Với máy tính, ta có thể thêm, bớt, xóa, sửa văn bản, có thể chèn các hình ảnh, biểu bảng, sơ đồ, công thức, … một cách tiện lợi. Trong bước này, cần phải:

- Điều chỉnh bố cục và nội dung bài tập lớn cho phù hợp với quá trình và kết quả nghiên cứu, đồng thời khiến các phần được liên kết với nhau một cách mạch lạc, rõ ràng. Lược bỏ những phần, những ý chưa thật chắc chắn hoặc quá lan man.

- Sửa chữa lỗi chính tả, câu văn và ý tứ sao cho nội dung của bài tập lớn được trình bày một cách hệ thống chính xác, dễ hiểu và trong sáng.

- Chỉnh sửa nội dung và hình thức các bảng, biểu, hình ảnh (nếu có).... Nhập Danh mục tài liệu tham khảo.

- Điều chỉnh định dạng các phần của văn bản bài tập như các tiêu đề, chú thích, tham chiếu, .... Tạo các phần cần thiết cho văn bản bài tập lớn như: Trang bìa, Mục lục, Header, ...

2.3. Một số lưu ý trong quá trình hướng dẫn sinh viên làm bài tập lớn cho học phần/môn học

2.3.1. Đối với giảng viên

Việc làm bài tập lớn là hình thức khá mới mẻ đối với sinh viên, đặc biệt sinh viên năm thứ nhất. Hầu hết sinh viên chưa biết cách thức làm bài tập lớn … nên tỏ ra lo lắng, băn khoăn khi nghe giảng viên đề cập đến công việc này. Vì thế, ngay trong buổi đầu tiên lên lớp, bên cạnh những công việc quan trọng khác, cũng nên phổ biến ngay về hình thức đánh giá kết thúc học phần/môn học thì việc làm bài tập lớn là một yêu cầu bắt buộc. Việc thông báo này sẽ giúp sinh viên có sự chuẩn bị về tâm lý và không quá bị động khi bắt tay vào thực hiện làm bài tập lớn.

Sau khi sinh viên học được từ 2 đến 3 buổi học đầu tiên, giảng viên phải dành ra ít nhất 30 phút của buổi học tiếp theo đó để hướng dẫn cụ thể cho sinh viên về những vấn đề liên quan đến thực hiện bài tập lớn như: Bài tập lớn là gì?, tại sao phải làm bài tập lớn?, những yêu cầu cơ bản về hình thức và nội dung của bài tập lớn?, trình tự và bố cục của bài tập lớn…, đồng thời lưu ý sinh viên một số điểm khi trình bày bài tập lớn như: ngôn ngữ, văn phong trình bày; cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo; cách ghi trích dẫn số liệu, tài liệu; cách đánh số chương, mục; cách ghi mục mục, đánh số trang

Giảng viên nên định hướng trước cho sinh viên về ngân hàng bài tập lớn của học phần/môn học ngay từ khi sinh viên bắt đầu học tập học phần/môn học. Tất nhiên, sinh viên vẫn có thể lựa chọn các chủ đề khác ngoài danh mục mà giảng viên gợi ý. Tuy vậy, để tránh trường hợp sinh viên lựa chọn những vấn đề mà nội dung không nằm trong chương trình môn học, hoặc đề tài quá khó hoặc quá rộng thì giảng viên cần thông báo rằng những trường hợp mà lựa chọn những chủ đề ngoài danh mục thì cần phải có tên chủ đề và đề cương để giảng viên thông qua.

Sau khi đã phổ biến công việc viết bài tập, giảng viên cần phải có các kênh thông tin để sinh viên có thể liên hệ nhằm giải đáp kịp thời các thắc mắc liên quan đến quá trình làm bài tập lớn.

2.3.2. Đối với sinh viên

Đầu tiên, sinh viên cần phải có thái độ đúng đắn đối với việc làm bâì tập lớn. Để việc làm bài tập lớn có chất lượng tốt thì ngay từ trong tư tưởng, sinh viên cũng phải nhìn nhận vấn đề một cách tương xứng – nghiên cứu không phải là để đối phó với những yêu cầu của giảng viên, mà là để hiểu đầy đủ, cặn kẽ hơn các nội dung kiến thức đã được học trong học phần/môn học; từ đó vận dụng liên hệ những kiến thức đó vào trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Điều này một mặt làm tăng cường tính thực tiễn của học phần/môn học, mặt khác tạo cơ hội phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của sinh viên, rèn luyện thói quen nghiên cứu khoa học.

Sau khi có chủ đề nghiên cứu, sinh viên cần phải xây dựng đề cương chi tiết để giảng viên góp ý, thông qua. Đây là một bước hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện bất cứ một thể loại đề tài nghiên cứu khoa học nào, nhưng do chưa hiểu được vai trò của việc xây dựng đề cương nên hầu hết sinh viên thường bỏ qua bước này. Có thể nói rằng khi xây dựng được một đề cương chi tiết là sinh viên đã hoàn thành được hơn 50% khối lượng công việc. Đồng thời, khi triển khai viết nội dung chủ đề, đề cương sẽ giúp cho bài tập lớn đảm bảo được tính khoa học, nhờ vậy, sinh viên có thể định hình và làm chủ được độ dài của mỗi phần, từ đó điều chỉnh sao cho hợp lý, để không quá dài dòng hay lan man, cũng không bị thiếu.

Sinh viên cần giữ mối liên hệ với giảng viên hướng dẫn trong suốt quá trình thực hiện bài tập. Nhờ việc trao đổi với giảng viên, sinh viên có thể nắm bắt được những yêu cầu cụ thể mà giảng viên muốn họ thực hiện ở bài tập lớn, biết được những tiêu chí mà giảng viên đưa ra là như thế nào, để từ đó xác định phương hướng cho mình. Đồng thời, việc trao đổi với giảng viên sẽ giúp sinh viên lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm, để được định hướng và tư vấn kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, tránh những sai sót có thể xảy ra cũng như rút ngắn quá trình nghiên cứu.

Cuối cùng, ngoài nội dung, sinh viên cũng nên để ý đến hình thức của bài tập lớn. Từ cách trình bày một trang bìa, cách trích dẫn, cách ghi danh mục tài liệu tham khảo, đến phông chữ, cỡ chữ, dãn dòng, canh lề… Những lưu ý này không chỉ làm cho bài tập lớn nhìn đẹp hơn, mà còn thể hiện sự cẩn thận, thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học.

Như vậy, làm bài tập lớn của học phần/môn học có thể coi là bước tập dượt đầu tiên của sinh viên trong quá trình đến với công việc nghiên cứu khoa học - một nhiệm vụ không thể thiếu trong môi trường đại học. Tuy nhiên để việc làm bài tập lớn đạt kết quả đối với học phần hay môn học, ngoài việc sinh viên phải hiểu và nắm chắc quy trình, bố cục, hình thức, nội dung của việc thực hiện bài tập lớn đồng thời phải đào sâu kiến thức lý luận của học phần hay môn học kết hợp chặt chẽ với việc tăng cường trải nghiệm thực tiễn gắn học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn góp phần rèn kĩ năng nghề đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp trong tương lai.

3. KẾT LUẬN

Làm bài tập lớn thay bài thi khi kết thúc môn học được xem là một phương hướng có khả năng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên tại các trường Cao đẳng, Đại học. Tuy nhiên, hình thức này yêu cầu giảng viên phải có nghiên cứu và hiểu biết sâu rộng về học phần/môn học mà mình phụ trách, đồng thời, đòi hỏi việc học tập của sinh viên cần chăm chỉ và cẩn thận hơn, chỉ có như vậy thì mới có thể đảm bảo được việc thực hiện và đánh giá một bài tập lớn đạt hiệu quả tối đa.

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]    Từ điển Tiếng Việt

[2]    Nguyễn Thị Thanh Trà, Các thành tố của quá trình đánh giá kết quả kết quả học tập môn Giáo dục học theo tiếp cận năng lực

[3]    Th.s Trần Huy Quang, Hướng dẫn sinh viên viết tiểu luận môn học – một trong những giải pháp nâng cao chất lượng học tập trong điều kiện đào tạo theo niên chế tín chỉ

[4]    Quyết định  số 471/QĐ-ĐHHD ngày 28/8/2023, Ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học của trường Đại học Hải Dương

[5]    Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT, Ban hành Quy chế đào tạo Đại học

TS. Cao Thị Thu Hằng

Khoa Chính trị - Tâm lý - Giáo dục học