Giảng dạy môn Tin học đáp ứng yêu cầu Giáo dục phổ thông mới ở các trường thực hành của Trường Đại học Hải Dương

Sau ngoại ngữ, tin học được xem là môn học công cụ có vai trò quan trọng không nhỏ giúp giới trẻ tiếp cận với nguồn thông tin, kiến thức phong phú, phục vụ cho việc học tập và công việc. Tuy nhiên, hiện nay các trường học đang gặp không ít khó khăn khi thực hiện giảng dạy môn này.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, vị trí, vai trò của môn Tin học có nhiều thay đổi: Từ lớp 3 đến lớp 9 Tin học là môn bắt buộc có phân hóa (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn); Ở cấp trung học phổ thông, Tin học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh (HS), phân hóa theo 2 định hướng “Tin học ứng dụng“ và “Khoa học máy tính” (trong chương trình hiện hành không phân hóa).

Tin học được xác định là môn bắt buộc có phân hóa ở cấp tiểu học và THCS. Ở THPT, Tin học là môn phân hóa theo 2 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Ở chương trình hiện hành môn Tin học không phân hóa nên mọi học sinh phải học những nội dung giống nhau bất kể năng khiếu và sở thích khác nhau.

Tin học trong chương trình giáo dục mới sẽ đặt trọng tâm vào việc đánh giá khả năng vận dụng kiến thức tin học của học sinh trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn. Điều này tạo cơ hội phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo của học sinh.

Chương trình khuyến khích áp dụng những giải pháp đánh giá kết quả học tập tin học bằng khảo sát, kiểm tra kiến thức thông qua câu hỏi, bài tập,bài thực hành và sản phẩm của học sinh. Đánh  giá kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng dụng công nghệ thông tin của HS.

Có 7 chủ đề lớn xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 12, gồm: Máy tính và xã hội tri thức; Mạng máy tính và Internet; Tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; Ứng dụng tin học; Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính; Hướng nghiệp với tin học. Mỗi chủ đề trực tiếp hình thành, phát triển một hoặc nhiều thành phần năng lực đồng thời góp phần phát triển các thành phần khác.

Trường Tiểu học Chu Văn An, trường THCS Chu Văn An, trường THPT Chu Văn An nằm trong hệ thống trường thực hành của trường Đại học Hải Dương, đáp ứng yêu cầu Giáo dục phổ thông mới, môn Tin học được dạy tại các trường thực hành của trường Đại học Hải Dương được xây dựng theo hướng cập nhật định hướng phát triển mới, cùng nhiều nội dung cập nhật tri thức Công nghệ số - yếu tố nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0.

            Môn Tin học ở trường Tiểu học Chu Văn An, được đưa vào giảng dạy từ lớp 1 để giúp các em học sinh làm quen, yêu thích và khám phá môn Tin học.

Chương trình môn Tin học được xác định là môn cốt lõi giúp hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học. Chương trình sẽ không đưa ra ràng buộc về chủng loại thiết bị hay phần mềm, không phân biệt phần mềm nguồn mở hay phần mềm thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo vận dụng linh hoạt.

Ở các trường thực hành của trường Đại học Hải Dương, việc dạy học thông qua các dự án, bài tập giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng các môn học áp dụng công nghệ số để hiểu và giải quyết vấn đề thực tế trong môi trường số, sáng tạo ra các sản phẩm của cá nhân, của nhóm.

Chương trình thông qua một số chủ đề học tập, đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm ra sản phẩm nhằm góp phần hình thành và phát triển phẩm chất năng lực chung và năng lực đặc thù môn Tin học, đồng thời còn góp phần giáo dục hướng nghiệp, giáo dục STEM, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục tài chính.

Từ các đặc thù quan trọng đã nêu trên có thể rút ra một vài kết luận về môn Tin học khi đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

(1) Tin học phải là một môn học “đặc biệt” theo nghĩa nó phải được giảng dạy một cách “linh hoạt”, không nên và không được phép áp đặt các tiêu chuẩn đánh giá chặt về phương pháp, tiến độ giảng dạy như các môn học khác trong nhà trường.

(2) Cần ưu tiên tối đa trang thiết bị cho giáo viên khi giảng dạy môn học này. Việc học chay môn Tin học có thể dẫn đến thảm họa không lường trước.

(3) Giáo viên dạy môn Tin học cần cập nhật kiến thức thường xuyên và cần được kiểm tra kiến thức thường xuyên. Nhà trường cần tạo điều kiện cho các giáo viên này có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm. Ngược lại giáo viên không thể ngồi yên và bằng lòng với kiến thức chỉ ghi trong sách giáo khoa.

(4) Phuơng pháp giảng dạy, học và đánh giá học sinh cũng cần phải đổi mới và tuân theo các qui chế đặc biệt linh động.

Giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thứcvà sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá. Tin học có ảnh hưởng lớn đến cách sống, cách suy nghĩ và hành động của con người, là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.

Môn Tin học giúp học sinh thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học Lập trình Python, Scratch… giúp cho các em học sinh hiểu được cách làm việc của máy tính, cách giao tiếp để ra lệnh cho máy tính làm việc theo sự điều khiển của con người thông qua ngôn ngữ lập trình. Các em có thể tạo ra các chương trình thú vị bằng cách sử dụng các câu lệnh Pascal, Scratch…. Cũng giống như những môn học khác như toán học, vật lý, hóa học … khi các em đã thực sự hiểu và yêu thích bộ môn tin học các em sẽ tìm thấy nhiều niềm vui, sự đam mê khi tìm hiểu và khám phá những điều mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn trong bộ môn tưởng chừng như khô khan này.

* TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình giáo dục phổ thông  môn Tin học – Bộ Giáo dục và Đào tạo

2. Môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông mới – Báo Giáo dục Thời đại

3. Website: caodanghaiduong.edu.vn