Trường Đại học Hải Dương tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) năm 2025

Thực hiện Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 04/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Kế hoạch số 726/KH-BVHTTDL 07/3/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025; Kế hoạch số 609/KH-SVHTTDL, ngày 12/3/2025 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Hải Dương đã xây dựng và triển khai kế hoạch số 39/KH-ĐHHD, ngày 10/4/2025 tổ chức chuỗi các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của sách, lan tỏa văn hóa đọc trong toàn trường với thông điệp xuyên suốt của chương trình: "Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng", "Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo", "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Thời gian diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ 15/4/2025 - 2/5/2025.

Các hoạt động nổi bật

1. Tuyên truyền và treo băng rôn, khẩu hiệu về Ngày Sách tại các khu vực trung tâm của trường. Qua đó tạo không khí sôi nổi, nâng cao nhận thức và lan tỏa văn hóa đọc, đồng thời giúp sinh viên, cán bộ giảng viên nhận thức rõ hơn về ý nghĩa và vai trò của việc đọc sách trong phát triển cá nhân và xã hội, góp phần hình thành thói quen đọc sách và tư duy học tập suốt đời; xây dựng hình ảnh Đại học Hải Dương là một môi trường học tập năng động, coi trọng tri thức, sáng tạo và phát triển bền vững.

BGH Trường Đại học Hải Dương và lãnh đạo các đơn vị đến tham quan, chúc mừng

2. Tham dự chương trình nói chuyện chuyên đề, chủ đề “Hành trình đến dinh Độc lập” của diễn giả Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt tại Thư viện tỉnh Hải Dương. Chuyên đề trở thành cầu nối giúp sinh viên tiếp cận lịch sử không khô khan mà sống động, truyền cảm hứng để tìm đọc thêm các tác phẩm lịch sử, hồi ký, tư liệu quý... không chỉ tôn vinh sách mà còn tôn vinh tri thức và những giá trị lịch sử - văn hóa trường tồn.  “Hành trình đến Dinh Độc Lập” là biểu tượng của thắng lợi vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của cha anh đi trước.

Cán bộ thư viện và sinh viên Trường Đại học Hải Dương tham dự nói chuyện chuyên đề tại Thư viện tỉnh

3. Các Khoa chuyên môn và Trường thực hành tổ chức tuyên truyền, phát động sưu tầm sách, tìm hiểu về văn hóa xứ Đông, viết bài chia sẻ trên Website và mạng xã hội về ý nghĩa của Ngày Sách; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 phù hợp với kế hoạch giáo dục của từng trường thực hành. Cụ thể:

3.1 Trường tiểu học Chu Văn An

Phát động phong trào “chung tay xây dựng tủ sách của em” quyên góp sách để bổ sung vào thư viện của nhà Trường; Tổ chức hội thi “kể chuyện theo sách” bằng hình thức trực tuyến, trưng bày sách theo khối theo chủ đề “Sách hay cần bạn đọc” nhằm giúp học sinh nhận thức tích cực hơn về sự cần thiết của sách và việc đọc sách, góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập.

Hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Trường Tiểu học Chu Văn An

3.2 Trường THCS Chu Văn An:

Phát động và tổ chức cuộc thi: giới thiệu sách bằng tiếng anh, vẽ bìa cuốn sách yêu thích, trình diễn trang phục tự thiết kế bằng báo cũ và nguyên liệu tái chế. Đây không chỉ là sân chơi nghệ thuật bổ ích mà còn là cơ hội để các em học sinh tiếp cận với sách một cách sáng tạo, gần gũi và truyền cảm hứng. Qua việc chọn một cuốn sách yêu thích và thể hiện lại hình ảnh bìa theo góc nhìn cá nhân, các em không chỉ rèn luyện kỹ năng quan sát, tư duy thẩm mỹ mà còn thể hiện sự hiểu biết và cảm nhận nội dung sách theo cách riêng của mình. Mỗi bức tranh là một “lời kể” sống động thể hiện suy nghĩ non trẻ nhưng đầy chân thành, mang màu sắc cá nhân và sự tưởng tượng phong phú.

Hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Trường THCS Chu Văn An

3.3 Trường THPT Chu Văn An:

Dựng các hoạt cảnh tuyên truyền vai trò của sách và phương pháp đọc sách trong thời kỳ hội nhập; Tổ chức cuộc thi “Sáng tạo trang phục từ trang sách” bằng nguyên liệu chính là giấy và báo cũ về các nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm văn học và các nhân vật lịch sử. Các trang phục được thiết kế thủ công hoàn toàn từ giấy báo cũ, nó không chỉ đơn thuần là trang phục biểu diễn, mà còn là biểu tượng giao thoa giữa truyền thuyết dân tộc và tinh thần đọc sách - nơi những trang giấy không còn nằm yên trên giá sách, mà sống dậy thành huyền thoại. Mỗi trang giấy ghép lại tà áo, tấm giáp,... không chỉ là chất liệu - mà còn là biểu tượng cho tri thức, sách vở, và khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn.

Hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Trường THPT Chu Văn An

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025 do Phòng Khoa học công nghệ - Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Hải Dương tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của giảng viên, sinh viên, học sinh và du học sinh đang học tập tại trường.

Một số hình ảnh tiêu biểu của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Trường Đại học Hải Dương:

Đoàn du học sinh Lào đến tham quan, chúc mừng tại Thư viện Trường Đại học Hải Dương

Lãnh đạo các đơn vị đến tham quan và chúc mừng tại Thư viện Trường Đại học Hải Dương

Giảng viên, sinh viên các Khoa đến tham quan, tặng và đọc sách tại Thư viện Trường Đại học Hải Dương

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 tại Trường Đại học Hải Dương không chỉ là dịp để khẳng định vai trò to lớn của sách trong việc phát triển tri thức, rèn luyện nhân cách, mà còn là cơ hội để cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh trong toàn trường giao lưu, chia sẻ niềm đam mê đọc sách, góp phần xây dựng xã hội học tập và phát triển bền vững. Thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa này, văn hóa đọc sẽ được lan tỏa sâu rộng, tạo động lực mạnh mẽ trong việc tự học, tự nghiên cứu, nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, sáng tạo cho thế hệ sinh viên trong thời đại chuyển đổi số.

Tin, bài: Phòng KHCN - Thông tin - Thư viện