Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 chính thức áp dụng Luật Đấu thầu 2023 thay thế Luật Đấu thầu 2013.
Luật Đấu thầu 2023 gồm 10 chương với 96 điều, được ban hành nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý tại Luật Đấu thấu 2023
Về đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung điểm a khoản 2 Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Luật mới quy định 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023, bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu.
Trong đó quy định rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu cũng là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu.
Luật Đấu thầu 2023 bổ sung quy định mới vào Điều 23 Luật Đấu thấu 2023, quy định cụ thể một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Về chào hàng cạnh tranh, Luật mới bổ sung quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2023; quy định về hình thức chào hàng cạnh tranh đã cho phép áp dụng rộng rãi đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, và hỗn hợp.
Bên cạnh đó, việc xác định tính chất đơn giản, phức tạp của công trình xây lắp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, người có thẩm quyền.
Theo đó, khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật xây dựng về phân loại, phân cấp công trình và giá gói thầu để áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp, trong đó có hình thức chào hàng cạnh tranh.
Luật đấu thầu 2023 cũng quy định mới về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu.
Luật đấu thầu mới có chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, cụ thể:
+ Các cơ sở y tế công lập tự quyết định mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ theo quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu 2023.
+ Quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
+ Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Áp dụng mua sắm tập trung đối với loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu 2023.
Tổng hợp: Phòng Tài chính - Kế toán